Đi bắt ếch bị rắn độc cắn

(Dân trí) - Chỉ 1 tiếng sau khi bị rắn cạp nia tấn công khi đang bắt ếch, anh T.L.T (31 tuổi ở Hà Nam) bị liệt các chi, cơ mặt và cứng đơ toàn thân và được người nhà chuyển đến Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) ngày 31/3.

Đang bắt ếch, anh T.L.T bỗng thấy đau nhói ở bàn chân phải. Anh hoảng hốt nhìn xuống, phát hiện một con rắn cạp nia tấn công mình. Biết là bị rắn độc cắn, anh T cũng chỉ kịp nhảy lên bờ kêu cứu và được người nhà chuyển ngay đến Trung tâm chống độc. Do xác định được loại rắn cắn nên bác sĩ nhanh chóng chỉ định truyền huyết thanh kháng nọc rắn và điều trị tích cực nhưng đến sáng 2/4 anh T. mới chỉ cử động được một số ngón chân, tình trạng còn rất nặng nề.

Trước đó, ngày 28/3 Trung tâm chống độc cũng tiếp nhận bệnh nhân nam N.V.B (40 tuổi, Thái Nguyên) bị rắn hổ mang chúa cắn khi đang đi phát cỏ ngoài ruộng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, phải thở máy, bị tổn thương cơ, liệt và suy thận.

Các bác sĩ cho biết, khi bị rắn cắn, cần sơ cứu nhanh (để bệnh nhân nằm im, hạn chế cử động, đặt chân tay thấp hơn tim, rửa vết cắn bằng dung dịch sát trùng) cho người bệnh và chuyển đến bệnh viện gần nhất. Đồng thời nên mang theo con rắn độc không bị đập nát đầu (nếu bắt được) hoặc mô tả rõ màu, chiều dài, hai bên mang tai xem con rắn... giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị theo đúng phác đồ (do mỗi loại rắn có nọc độc khác nhau, việc điều trị khác nhau), dùng đúng huyết thanh kháng độc sẽ hiệu quả nhanh hơn rất nhiều so với việc điều trị kiểu “nghi ngờ” loại rắn.
 
Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm