Đẹp móng - Hại sức khoẻ
Các hóa chất trong sơn móng tay, móng giả, nước tẩy móng... như benzen, toluen, aceton rất dễ gây dị ứng và nhiễm trùng. Benzen còn gây ung thư nếu tích lũy nhiều trong cơ thể.
Các chế phẩm cho móng thường có chất làm trắng, làm cứng, tẩy móng, chất tẩy rửa lớp sơn cũ, nước sơn móng và sơn bóng giữ màu. Ba loại đầu ít gây độc, còn các loại sau dễ bay hơi và nhiều tác hại nguy hiểm hơn. Ngoài ra, móng tay giả thường chứa acetonitril hay methyl cyanid, có thể gây dị ứng, kích ứng cho người sử dụng.
Benzen có trong chất tẩy, sơn móng, là loại dung môi hữu cơ gây độc hại cho thợ móng và khách hàng của họ. Chất này bay hơi rất nhanh và được hấp thụ ngay qua đường hô hấp, sau đó lưu tại gan, tủy sống và các tế bào mỡ. Tủy xương là cơ quan chịu nhiều tác hại của benzen nhất, gây trở ngại cho sự tăng trưởng và tái tạo tế bào.
Benzen gây độc ở thần kinh, làm người bệnh choáng váng, mệt mỏi, mất sáng suốt. Nếu hít liên tục chất này trong thời gian dài, bệnh nhân sẽ bị thiếu hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Ung thư bạch cầu, ung thư hạch non-Hodgkin lymphoma có thể xảy ra sau 10-15 năm.
Aceton - dung môi trong nước rửa móng tay, móng chân sẽ làm móng nhanh giòn, xơ xác, dính vào da gây ngứa đầu ngón tay, ngón chân. Việc hít nhiều chất bay hơi này sẽ rất hại phổi, gây cảm giác say, mất thăng bằng.
Toluen, một chất có mặt trong các chế phẩm cho móng với chức năng tương tự benzen, có thể gây nghiện nếu hít nhiều. Toluen ít tan trong nước và được phân bố nhanh vào các mô tế bào não, gan, thận ngay sau khi hít vào. Nó gây độc trực tiếp đến thần kinh, nhất là với phụ nữ có thai.
Tai biến thường gặp trong việc dùng móng tay giả chủ yếu là nhiễm khuẩn, nhiễm nấm vì nó làm mỏng, làm tróc móng thật, tạo kẽ hở cho chất bẩn đọng lại. Chất nhựa acrylic khiến chân móng bị đỏ, phù, đau. Từ đây vi khuẩn, nấm phát triển lan ra móng thật.
Nếu không thường xuyên làm vệ sinh, vùng da móng bị tổn thương, nhiễm trùng sẽ nặng thêm, thậm chí hoại tử ngón. Nhiều trường hợp bị bong móng, nếu mọc lại cũng không thể được như trước.
Để hạn chế các tác hại trên, chị em chỉ nên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, không mang móng tay giả liên tục trong nhiều tháng. Khi thấy vùng da quanh móng bị sưng đỏ, viêm nhiễm..., phải đến cơ sở y tế xử lý sát khuẩn, chống nhiễm trùng.
Theo DS. Thu Hương
Đại Đoàn Kết