1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đề xuất tăng thuế với sản phẩm 50% nam giới Việt nghiện

Nam Phương

(Dân trí) - Thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc loại rẻ nhất so với các nước trên thế giới và khu vực. Với gần 50% nam giới hút thuốc, phụ nữ và trẻ em hiện đối diện với tình trạng hút thuốc thụ động cao.

Chính sách thuế thuốc lá tại Việt Nam chưa đủ mạnh

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Trong dự thảo Bộ Tài chính đã nêu định hướng sửa đổi tăng thuế với sản phẩm thuốc lá.

Cụ thể, nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số mặt hàng, tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia) để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng…

Xu hướng áp thuế hỗn hợp (thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối) đối với thuốc lá đang ngày càng được nhiều quốc gia áp dụng. Trong đó, có gắn theo các điều kiện về định kỳ tăng thuế theo hoặc cao hơn tốc độ lạm phát và tăng trưởng để đảm bảo giá thuốc lá tăng cao hơn/bằng với tốc độ gia tăng thu nhập, sức mua của người hút thuốc.

Đề xuất tăng thuế với sản phẩm 50% nam giới Việt nghiện - 1

Giá một bao thuốc lá nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam, tính theo đô la quốc tế (PPP), so với các nước khác trong khu vực Tây Thái Bình Dương (2020).

Tại Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá hiện đang áp dụng là thuế tỷ lệ ở mức 75% tính trên giá xuất xưởng (giá bán ra của nhà sản xuất hay nhập khẩu). Tỷ lệ này tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%, thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới ví dụ như Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%, Myanmar 50% và các nước phát triển Úc: 62%, Đức: 75%, Pháp 80%...

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị tỷ trọng thuế tiêu dùng nên chiếm từ 66 đến 75% (từ 2/3 đến 3/4) trên giá bán lẻ thuốc lá mới thực sự có tác động giảm tiêu dùng.

Trong thời gian qua, mặc dù mặt hàng thuốc lá đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2019. Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao.

Do thu nhập tăng nhanh hơn mức tăng giá thuốc lá (tức là thuốc lá trở nên rẻ đi tương đối so với thu nhập) nên sức mua thuốc lá của người dân đã tăng lên nhiều trong những năm qua. Từ năm 2007 đến 2020 thu nhập danh nghĩa theo đầu người đã tăng gấp 3,7 lần trong khi giá thuốc lá chỉ tăng gấp 1,9 lần.

Như vậy, việc sử dụng thuốc lá, cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra.

Tăng thuế thuốc lá là cần thiết để giảm gánh nặng do sử dụng thuốc lá

Theo Điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành Việt Nam năm 2020 của Bộ Y tế, gần 50% nam giới trưởng thành tại Việt Nam hút thuốc. Mặc dù tỷ lệ phụ nữ hút thuốc dưới 2%, phụ nữ và trẻ em hiện đối diện với tình trạng hút thuốc thụ động cao tại gia đình và các địa điểm công cộng, cũng dẫn tới các bệnh tật và tử vong. 

WHO ước tính khoảng 40.000 người chết sớm hàng năm tại Việt Nam do các căn bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tại Việt Nam cũng như tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, các căn bệnh liên quan đến thuốc lá gây tốn kém hàng triệu đô la mỗi năm, cả về chi phí y tế trực tiếp cũng như những thiệt hại do tổn thất năng suất lao động.

Theo ý kiến của ông Patricio V. Marquez, nguyên chuyên gia của WB, tại Việt Nam, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá (khoản thuế theo tỷ lệ phần trăm trên mức giá kê khai), hiện ở mức thấp trong giá bán lẻ.

"Với mức thuế thấp như vậy, thuốc lá ở Việt Nam thuộc diện rẻ nhất trên thế giới. Theo đó giá bán lẻ một bao thuốc lá thuộc một nhãn hàng phổ biến chưa đến 1 đô la Mỹ, và các nhãn hàng rẻ hơn chỉ vào khoảng 15 - 20 xu Mỹ một bao", ông Patricio nhấn mạnh.

Theo ông, việc bổ sung thêm một mức thuế tuyệt đối trên phần thuế tính theo tỷ lệ phần trăm là một giải pháp chính sách tốt, vì việc áp dụng chung một mức thuế tuyệt đối sẽ nâng giá bán của mọi nhãn hàng cùng lúc sẽ giúp tránh tình trạng người hút thuốc chuyển sang sử dụng các nhãn hàng rẻ tiền hơn. Tuy nhiên, biện pháp này đòi hỏi đi kèm với điều khoản điều chỉnh mức thuế cố định hàng năm nhằm theo kịp lạm phát. Và nếu được, nên ở mức cao hơn lạm phát nhằm tính đến mức tăng thu nhập theo đầu người hàng năm để bảo đảm khả năng chi trả giảm theo thời gian. 

Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy việc tăng thuế thuốc lá không những đóng góp vào việc giảm các rủi ro sức khỏe gắn với việc sử dụng thuốc lá, mà còn giúp tăng thêm nguồn thu để tài trợ cho các chương trình và dự án ưu tiên thông qua ngân sách quốc gia, như việc mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân.