Đề xuất đa dạng hóa nguồn cung ứng thuốc tại bệnh viện
(Dân trí) - Kết quả đấu thầu thuốc tại bệnh viện được áp dụng cho cả thuốc sử dụng và không sử dụng ngân sách quỹ BHYT. Vì thế, người bệnh có nhu cầu, có khả năng chi trả khó tiếp cận các thuốc theo yêu cầu.
Người dân có tiền nhưng khó mua được thuốc điều trị theo yêu cầu
Việc Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), cùng với việc ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, Nghị quyết số 30/NQ-CP về đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế là cơ sở pháp lý quan trọng giúp ngành y tế tháo gỡ những bất cập để bệnh viện hoạt động bình thường. Đồng thời, cơ bản đảm bảo nguồn cung thuốc và vật tư y tế cho người bệnh được khám và điều trị.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn đọng những điểm hạn chế trong cơ chế mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Đây là rào cản cho việc tiếp cận thuốc điều trị theo yêu cầu của người bệnh tại các cơ sở y tế công lập.
Khoản 76 điều 5 Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý việc mua thuốc của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên bệnh viện chỉ được mua thuốc đã trúng thầu ở chính cơ sở y tế đó hoặc trúng thầu ở bệnh viện tuyến tỉnh hoặc trung ương trong vòng 12 tháng.
Vì thế, hiện nay kết quả đấu thầu các thuốc phục vụ cho nhu cầu sử dụng tại các cơ sở y tế đang được sử dụng chung cho cả thuốc sử dụng và không sử dụng ngân sách quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Điều này dẫn đến việc người bệnh có nhu cầu và khả năng chi trả song lại không được sử dụng các thuốc điều trị theo yêu cầu đa dạng. Đặc biệt là thuốc trong những ca bệnh nặng, hiểm nghèo mà bệnh nhân đứng giữa ranh giới sống chết cần dùng đến.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, giá biệt dược gốc tại nước ta ở mức thấp của các nước trong khu vực ASEAN (đối với hầu hết các nhóm điều trị chính). Tỷ trọng sử dụng thuốc biệt dược gốc tại các cơ sở y tế tại là 11% - mức thấp so với trung bình 27% tại các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thực tế bệnh nhân Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận các thuốc mới so với các nước trong khu vực. Cụ thể, năm 2022, chỉ có 9% thuốc mới có mặt tại Việt Nam trên tổng 460 thuốc mới ra thị trường từ năm 2012 tới cuối năm 2021, theo nguồn dữ liệu của tổ chức nghiên cứu ngành y dược IQVIA MIDAS data cập nhật quý I/2022.
Từng bước tháo gỡ nút thắt thể chế trong quản lý mua sắm thuốc
Để giải quyết một cách triệt để các khó khăn trong mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được báo cáo, cho ý kiến tại các kỳ họp của các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội. Dự kiến dự án luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (dự kiến bắt đầu từ ngày 22/5).
Khoản 2, điều 55 dự thảo ngày 5/4 có quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế. Cụ thể, đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thanh toán BHYT, mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, cơ sở y tế tự quyết định về hình thức, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu.
Điều này được kỳ vọng sẽ từng bước khắc phục thực trạng bất cập hiện nay. Đồng thời, cũng tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng cho việc mua sắm thuốc từ nguồn thu dịch vụ hoặc các nguồn thu khác (không phải từ nguồn vốn nhà nước và quỹ BHYT) đối với cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh.
Việc tăng tiếp cận các thuốc điều trị qua kênh cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở y tế là việc làm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hình thức bệnh nhân tự chi trả đã được áp dụng đối với vaccine bởi vaccine dịch vụ không do nhà nước chi trả, BHYT thanh toán…
Nhiều ý kiến kỳ vọng việc chỉnh sửa luật sẽ tạo bước chuyển trong việc mua sắm thuốc, giúp tăng khả năng tiếp cận và quyền lựa chọn thuốc của bác sĩ điều trị và bệnh nhân, đặc biệt đối với kênh bệnh nhân tự nguyện chi trả. Điều này cũng giúp tháo gỡ những giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc của các bác sĩ và bệnh nhân tự chi trả. Từ đó, tạo ra khả năng đa dạng hóa nguồn thuốc điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Ban hành cơ chế quản lý hợp lý với thuốc phát minh còn khuyến khích các công ty dược hàng đầu đẩy mạnh đầu tư và chuyển giao công nghệ cho nước sở tại phát triển ngành dược.
Đồng thời, nó còn giúp giữ chân được nhóm bệnh nhân có thu nhập cao lựa chọn chữa bệnh trong nước, ngăn chặn tình trạng chảy máu ngoại tệ từ dòng người bệnh sang điều trị tại các nước phát triển hơn với nguồn dược phẩm chất lượng cao.
Theo ước tính của Bộ Y tế, trong năm 2018 có khoảng 60.000 lượt người bệnh trong nước ra nước ngoài điều trị làm "chảy máu" nguồn ngoại tệ khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, Singapore đã tiếp nhận hơn 30.000 lượt người Việt đến khám chữa bệnh trong tổng số 400.000 lượt khách quốc tế. Thái Lan cũng đang là "vùng đất hứa" của người Việt tìm đến với hơn 17.000 người trong năm 2018.