Đề nghị ưu tiên tiêm phòng rubella cho phụ nữ

(Dân trí) - Trước thực trạng nhiều thai phụ buộc phải bỏ thai vì nhiễm rubella và nhiều trẻ sinh ra mắc hội chứng rubella bẩm sinh, Việt Nam đã phác thảo kế hoạch phòng chống dịch rubella và được WHO ủng hộ. Theo đó, ưu tiên tiêm phòng hàng đầu cho phụ nữ trong tuổi sinh đẻ.

Ưu tiên lứa tuổi 15 - 35

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, nếu thai phụ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thì sẽ có tới trên 90% có khả năng trẻ sau khi ra đời nhiễm Hội chứng rubella bẩm sinh với các dị tật như mù, điếc, não bé (chậm phát triển), tim bẩm sinh… Trong khi đó, thời điểm tháng 4/2011, tại Việt Nam dịch rubella bùng phát mạnh, số người mắc cao kéo theo số thai phụ nhiễm rubella cũng tăng cao hơn hẳn mọi năm.

PGS Hiển cho biết, trước đây, tại một số nước cũng xảy ra những vụ dịch sốt do rubella như chúng ta bây giờ, tức là vài ba năm dịch lại bùng phát, và cũng xảy ra tình trạng phá thai hàng loạt. Nhưng sau khi áp dụng biện pháp tiêm chủng vắc-xin ngừa rubella thì bệnh dịch gần như dập tắt tại các nước này.

Theo khuyến cáo của WHO, nếu triển khai Chiến lược tiêm chủng vắc-xin rubella, những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15- 35 tuổi) sẽ là đối tượng được ưu tiên số 1 vì giúp giảm tỷ lệ nhiêm rubella ở phụ nữ mang thai, từ đó phòng hội chứng rubella bẩm sinh ở trẻ em. Sau đó là cần tiêm phòng cho tất cả trẻ em (1-14 tuổi) và thứ 3 là cần tiêm phòng vắc-xin cho mọi trẻ sơ sinh được sinh ra hàng năm (lúc 12 tháng tuổi) theo lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhằm hạn chế nguồn truyền nhiễm và tiến tới loại trừ bệnh rubella.

Với sự hỗ trợ của WHO, viện Vệ sinh dịch tễ đã phác thảo một kế hoạch phòng chống dịch rubella tại Việt Nam và đã trình Bộ Y tế xem xét, trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cũng đang lập kế hoạch triển khai Chương trình giám sát dịch rubella và Hội chứng rubella bẩm sinh tại một số tỉnh trọng điểm. Kết quả của Chương trình giám sát này sẽ là một trong những căn cứ để đưa ra những khuyến nghị tốt hơn trong việc cảnh báo, cũng như giúp các nhà quản lý xây dựng và triển khai những chiến lược tốt nhất, nhằm phòng tránh dịch bệnh rubella trong cộng đồng.

Sẽ nghiên cứu sản xuất vắc-xin

PGS Hiển cho biết thêm, chiến lược phòng chống dịch rubella đã được vạch ra, tuy nhiên có một thực tế rất khó khăn trong việc thực hiện chiến dịch này, đó là nguồn kinh phí rất lớn. Chỉ tính riêng kinh phí để tiêm phòng cho số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì nguồn chi phí cũng rất tốn kém, với khoảng 300 tỷ/năm.
 
Đề nghị ưu tiên tiêm phòng rubella cho phụ nữ  - 1
Nếu sản xuất được vắc xin phối hợp này, nhiều người Việt sẽ có cơ hội tiếp cận để phòng bệnh do chi phí rẻ hơn nhiều so với vắc xin nhập

Vì thế, bên cạnh việc kêu gọi xã hội hóa việc tiêm phòng vắc-xin, kêu gọi người dân đóng góp một phần kinh phí cho việc tiêm vắc-xin, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để giúp đỡ Việt Nam triển khai hoạt động tiêm phòng vắc-xin rubella cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thì việc nghiên cứu để nâng cao năng lực sản xuất vác xin phối hợp Sởi-Rubella tại Việt Nam cũng được đề xuất và ủng hộ.

Trong trường hợp nguồn lực chưa được đáp ứng để có thể triển khai cho cả 3 nhóm đối tượng phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, trẻ em và trẻ nhỏ sinh ra hàng năm, việc tiêm phòng vắc-xin rubella dự kiến sẽ được triển khai cho nhóm đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại những thành phố lớn, có số lượng ca mắc rubella cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh …

“Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực để sản xuất loại vắc-xin phối hợp này trong nước sẽ được ủng hộ vì việc sản xuất vắc-xin trong nước sẽ chủ động được nguồn vắc-xin, giảm giá thành, tăng tỷ lệ người dân được tiêm phòng vắc-xin rubella, và đồng thời dự phòng và tiến tới loại trừ cả 2 bệnh này trong thời gian tới”, PGS Hiển khẳng định.

Hồng Hải