Để không phải mổ đẻ...
(Dân trí) - "Phụ nữ có thai đang ăn quá nhiều là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng thai to, gây khó đẻ, phải mổ. Trong khi biện pháp này thường gây bất lợi cho sản phụ và trẻ sơ sinh", Tiến sĩ Trần Quốc Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ (ảnh), cho biết.
Nhiều sản phụ cho rằng mổ đẻ sẽ giúp đứa con ra đời một cách nhẹ nhàng, sẽ làm trẻ thông minh và khoẻ mạnh hơn. Bên cạnh đó, người mẹ cũng tránh được nhiều nguy cơ có thể xảy ra khi đẻ thường. Điều này có có đúng thưa Tiến sĩ?
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, đứa trẻ ra đời bằng phương pháp đẻ thường sẽ có sức đề kháng và đường hô hấp tốt hơn những đứa trẻ được mổ lấy ra. Đó là do trong quá trình được sinh ra, trẻ chịu sức ép của sự co bóp trong tử cung người mẹ nên phổi đã một quá trình thích ứng tốt. Bên cạnh đó người ta cũng nhận thấy những đứa trẻ sinh thường thông minh và nhanh nhẹn hơn những trẻ được sinh kiểu khác.
Về phía sản phụ sinh thường, tuy có phải chịu đau đớn trong thời kỳ rặn đẻ nhưng sẽ tránh được đau đớn sau thủ thuật mổ đẻ và những tai biến có thể xảy ra như: nhiễm trùng, dính ruột, tắc ruột, sẹo tử cung... Mặt khác, do phải uống một lượng lớn kháng sinh để chống nhiễm trùng nên khả năng tiết sữa của họ giảm nhiều, thậm chí không có nên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe đứa trẻ.
Tuy nhiên, xu hướng mổ đẻ ở sản phụ vẫn đang có chiều hướng gia tăng rất nhanh. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Do ảnh hưởng bởi quá nhiều từ thông tin quảng cáo về các loại thức ăn bổ dưỡng cho thai phụ nên rất nhiều phụ nữ đã trở thành cái bồ đựng các loại thực phẩm. Thậm chí, rất nhiều người có thai “mắc phải” tâm lý không “chịu kém ai”: Nghĩa là thấy bà bầu khác ăn, uống một loại sữa hay thực phẩm, thức ăn đắt tiền nào đó thì mình cũng phải dùng bằng được mà không cần biết mình nên ăn uống ở chế độ nào. Bên cạnh đó, cũng vẫn còn một số người có tâm lý chọn phướng án mổ đẻ để lấy giờ tốt.
Trên thực tế, nếu để sản phụ đẻ thường bác sĩ sẽ phải vất vả, mất nhiều thời gian hơn và xác xuất gặp tai biến trong chuyển dạ cũng nhiều hơn so với việc mổ đẻ. Đây có phải nguyên nhân khiến tỷ lệ mổ đẻ ngày càng cao ở các bệnh viện nói chung và Phụ sản TƯ nói riêng (tại Viện này, trong 6 tháng đầu năm nay, có tới gần một nửa trường hợp sản phụ nhập viện phải mổ đẻ (3.851/8.424 ca)?
Phụ sản TƯ là bệnh viện tuyến đầu nên cũng nhận được nhiều ca khó từ tuyến dưới chuyển lên. Quả thực, đối với nhiều bác sĩ, mổ đẻ được xem là một giải pháp an toàn, bởi rất nhiều tai biến trong chuyển dạ là không thể tiên lượng được. Ngoài vấn đề phải mất nhiều thời gian để theo dõi sản phụ từ khi có cơn đau đẻ đến lúc trẻ được sinh ra, cán bộ y tế còn luôn phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với những những tai biến có thể hiện khi chuyển dạ như sa dây rốn, tim thai suy…
Trong khi đó, khi thực hiện mổ đẻ thì bác sĩ rất nhàn, chỉ mất 30 - 40 phút, bác sĩ không phải theo dõi nhiều, người nhà tránh được sự chờ đợi căng thẳng. Tuy nhiên, phần thiệt thòi lại thuộc về sản phụ và đứa trẻ sinh ra.
Vì vậy, trừ những trường hợp có chỉ định mổ (do thai quá to hoặc có những bất thường trước sinh), đối với những ca yêu cầu mổ đẻ nhằm chọn giờ Bệnh viện thường từ chối nhu cầu trên và khuyên sản phụ nên đẻ thường.
Như vậy, để tránh phải mổ đẻ thì sản phụ nên chú ý đến chế độ ăn uống?
Đúng vậy, những phụ nữ đã có chế độ dinh dưỡng tốt thì không cần tăng khẩu phần ăn thông thường để tránh tình trạng tăng cân nhiều quá, gây khó đẻ. Ngược lại với những người vốn có chế độ dinh dưỡng kém, thể trạng yếu thì nên tăng cường lượng thức ăn đưa vào. Tốt nhất là họ nên có chế độ ăn bổ sung để tăng cường sức khoẻ tránh hiện tượng cả mẹ không có sức rặn đẻ còn con thì quá nhỏ và yếu.
Chế độ dinh dưỡng và mức độ tăng cân trong thời kỳ có thai thế như thế nào là hợp lý thưa Tiến sĩ?
Khẩu phần ăn cho phụ nữ mang thai cần đa dạng, phong phú, bảo đảm cung cấp đủ vitamin và các dưỡng chất khác. Phụ nữ mang thai không nên ăn uống kiêng khem; đặc biệt phải chú ý bổ sung các vi chất dinh dưỡng như sắt, iốt, vitamin A...
Với những người đã có chế độ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ từ trước đó, mức tăng trọng tăng trong thời kỳ mang thai vào khoảng 12,5 - 14kg là hợp lý. Cụ thể, cần tăng ít nhất từ 1kg đến 2,5kg trong 3 tháng đầu tiên và sau đó tăng cân đều đặn và tăng nhanh nhất là ba tháng cuối cùng.
Lưu ý, những người có tầm vóc nhỏ bé cần năng lượng bổ sung ít hơn mức trung bình. Những người béo cũng nên tăng ít lượng chất béo, ngược lại, người gầy lại cần tăng lượng chất béo nhiều hơn mức trung bình. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cần đi khám thai ít nhất 3 lần trong suốt quá trình thai nghén để sớm phát hiện những bất thường ở thai nhi, nếu có.
Cảm ơn Tiến sĩ!
P. Thanh (thực hiện)