“Để đảm bảo VSATTP, cần xây dựng “Luật thực phẩm”
(Dân trí) - Đó là nhận định của PGS TS Phạm Xuân Ngọc, TT Khoa học và Công nghệ Thực phẩm TPHCM trước thực trạng có tới 2 pháp lệnh về VSATTP được ban hành song hành gây nhiều chồng chéo, hạn chế trong công tác quản lý và xử phạt”.
Tại hội thảo “Vệ sinh an toàn thực phẩm và hội nhập, trách nhiệm doanh nghiệp với cộng đồng” do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TT Khoa học & Công nghệ thực phẩm TPHCM tổ chức ngày 21/5, PGS. TS Xuân Ngọc cho biết: “Pháp lệnh VSATTP chưa toàn diện và cụ thể nên còn phải dựa vào quá nhiều các văn bản hướng dẫn và còn liên quan đến nhiều bộ, ngành. Thậm chí nội dung các văn bản hướng dẫn lại không đảm bảo được nguyên văn bản gốc của pháp lệnh, mà còn gây thêm những chồng chéo giữa vấn đề VSATTP với chất lượng sản phẩm và từ đó đã dẫn đến sự thiếu thống nhất trong việc ban hành các văn bản kiểm soát chất lượng sản phẩm”.
Theo báo cáo của Tổng cục Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng (TCĐLCL), hiện trong nước có 800 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về chất lượng nông sản thực phẩm, thì chỉ có khoảng 50% gần phù hợp với luật quốc tế, còn hơn 50% còn lại thì đã lạc hậu.
Trong đó, chỉ có 30% có đủ các chỉ tiêu về VSATTP, còn 70% thì chỉ đề cập đến các chỉ tiêu của chất lượng sản phẩm, nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều các tiêu chuẩn về chất lượng VSATTP, đặc biệt là về các mức giới hạn cho phép trong các nhóm sản phẩm thuỷ sản, sản phẩm động-thực vật, các bao gói chứa đựng thực phẩm, các dụng cụ chế biến….
Đó là, chưa nói đến sự hài hoà về các tiêu chuẩn thực phẩm trong nước với khu vực và quốc tế vẫn còn có khoảng cách.
Ông Nguyễn Xuân Mai, Viện Phó Viện Vệ sinh y tế TPHCM nhận định: “Do thiếu nguồn vốn cũng như thiếu công nghệ tiên tiến, các sản phẩm của Việt Nam hiện chưa thỏa mãn được nhu cầu của người tiêu dùng”.
Cũng theo ông Mai, để việc sản xuất, chế biến thực phẩm đạt chất lượng VSATTP, doanh nghiệp cần chú ý đến ít nhất 6 điểm sau:
- Nguyên liệu chế biến thực phẩm phải nguyên, tươi và không được nhiễm bệnh.
- Phụ liệu, phụ gia dùng phải đúng quy định và phù hợp. Hiện nay, việc dùng phụ gia phụ liệu vẫn tứ lung tung, mạnh ai nấy dùng, thậm chí còn pha chế tuỳ ý.
- Về tiêu chuẩn cần phù hợp với tiêu chuẩn của Codex, của khu vực…
- Tất cả các sản phẩm cần phải đăng ký và công bố chất lượng trước khi bán ra.
- Về bao bì của sản phẩm phải có ghi nhãn hàng hóa đầy đủ và đúng với quy định.
- Trong các khâu lưu giữ, vận chuyển, phải theo đúng những điều kiện thích hợp với từng chủng loại sản phẩm.
Trong khi đó, dịp này nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự bức xúc vì nạn hàng giả, hàng nhái đã làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm của họ và còn gây nguy hại cho người tiêu dùng vì những sản phẩm giả, nhái đều kém chất lượng nếu như không muốn nói là thiếu VSATTP. Hầu như, tất cả doanh nghiệp đăng đàn đều mong muốn cơ quan chức năng hành động mạnh hơn với tệ nạn hàng gian, hàng giả.
Bà Nguyễn Thị Bính, Giám đốc công ty sản xuất bún tươi Nguyễn Bính đã nhận xét: “Thực trạng và giải pháp về an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay là quá yếu kém, cần phải có sự cải cách về cách quản lý”.
Theo Bà Bính, nhà sản xuất thực phẩm phải có lương tâm và trách nhiệm với sản phẩm mà mình đưa ra thị trường. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần phải có thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình. Nơi nào làm ăn không chính đáng, cơ quan chức năng cần giải quyết triệt để.
Ngọc Thanh