Dễ bội nhiễm viêm nha chu vì tay chân miệng

(Dân trí) - Trung bình mỗi ngày, khoa nhi (BV Bạch Mai) tiếp nhận 15 - 20 trẻ bị tay chân miệng đến khám. Biến chứng dễ gặp nhất là bội nhiễm gây viêm nha chu do cha mẹ không biết cách chăm sóc trẻ.

Dễ bội nhiễm viêm nha chu vì tay chân miệng
Những nốt phỏng trong miệng khiến trẻ đau đớn không thể ăn uống khiến cha mẹ sốt ruột. Tuy nhiên bệnh do vi rút gây ra, cần thời gian 3 - 5 ngày mới hết được các nốt phỏng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, suốt gần một tháng nay, số bệnh nhân tay chân miệng đến viện khám có xu hướng tăng lên. Các bệnh nhi đến khám đều có biểu hiện nhẹ, thường được điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ bị bội nhiễm viêm nha chu, nấm miệng… do người lớn không biết cách chăm sóc.

TS Dũng cho biết, vấn đề trầm trọng nhất khi trẻ bị tay chân miệng, đó là việc xuất hiện các nốt phỏng trong miệng khiến trẻ không thể ăn uống được. Đây cũng chính là điểm khiến các bà mẹ bồn chồn, lo lắng không yên vì “cả ngày không ăn được bát cháo”. Vì thế, không ít người tìm đủ mọi cách can thiệp với mục đích, các nốt phỏng nhanh biến mất để trẻ ăn uống được. Nhưng chính vì nôn nóng, chăm sóc không đúng cách, nhiều trẻ đã bị bội nhiễm, càng làm trẻ đau đớn.

Sai lầm hay gặp nhất khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, đó là nhiều người dùng khăn sữa, gạc để vệ sinh răng miệng cho trẻ. “Khi trẻ đau vì các nốt phỏng, đến nước bọt cũng không muốn nuốt nên miệng bé rất hôi. Không đánh răng được cho con, nhiều người dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối rửa răng miệng cho trẻ, lại trong tình huống không được trẻ “cộng tác” khiến nguy cơ chạm, vỡ các nốt phỏng càng tăng, làm vết loét thêm nặng, nguy cơ gây bội nhiễm vi khuẩn, nấm”, TS Dũng nói.

Thực tế khám chữa bệnh, các bác sĩ ghi nhận nhiều trẻ bị biến chứng viêm nha chu do cách chăm sóc này của người thân. Trẻ hết các vết loét trong miệng nhưng vẫn không ăn được vì hai hàm răng, lợi bị viêm đỏ rực, thậm chí chảy máu và lúc này, trẻ buộc phải dùng thêm kháng sinh. Cũng có trẻ, bị tay chân miệng đồng thời với nhiễm nấm miệng (trong khi không hề có nguy cơ, như trước đó không uống kháng sinh), cũng chính bởi hành vi lau miệng cho trẻ bằng khăn sữa, gạc đã đưa nấm ở bên ngoài vào miệng trẻ. "Không chỉ phải uống kháng sinh, mà tình trạng viêm nha chu còn khiến trẻ tiếp tục đau kéo dài, ăn uống sẽ càng kém đi", TS Dũng nói.

BS Nguyễn Thành Nam, khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, trẻ đến khám tay chân miệng đều được bác sĩ hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc trẻ. Đó là cho trẻ uống hạ sốt khi bé sốt trên 38,5 độ C. Có bé chỉ hâm hấp sốt, nhưng nếu quá đau, cản trở ăn uống có thể dùng thuốc hạ sốt để giảm đau theo đúng hướng dẫn, 4 - 6 tiếng/lần theo cân nặng của trẻ. Ngoài ra, có thể bôi các thuốc gây tê bề mặt, sát khuẩn miệng trước bữa ăn chừng 15 phút cũng giúp giảm đau, bé sẽ ăn uống dễ hơn.

Còn vệ sinh miệng, tốt nhất là sử dụng nước muối sinh lý xúc miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ, ngủ dậy. Cha mẹ cũng không nên quá lo lắng khi thấy miệng con hôi, lưỡi phồng rộp mà cố dùng gạc “cạo” rộp trắng rất nguy hiểm. Miệng trẻ có cơ chế tự làm sạch, cố gắng khuyến khích trẻ uống nước, xúc miệng nước muối… là có thể làm sạch răng miệng.

Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh (khoa Nhi, BV Bạch Mai) hướng dẫn: “Khi bé đau, các mẹ cho con ăn từng chút một. Sử dụng các thực phẩm để nguội, nấu loãng như cháo, súp, sữa… Tăng cường các loại nước quả giàu vitamin C để tăng sức đề kháng cho trẻ. Tuy nhiên không nên kỳ vọng con ăn uống như ngày thường, lượng chắc chắn sẽ bị giảm (thậm chí chỉ chưa được một nửa so với bình thường) thì đi các mẹ cũng không quá sốt ruột, ép bé ăn bằng được, bé đau nhìn thấy đồ ăn càng sợ, càng không "hợp tác". Được chăm sóc đúng cách, thông thường sau 3 - 4 ngày bệnh khỏi, trẻ sẽ ăn uống trở lại bình thường".

Tú Anh