Đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030
(Dân trí) - Mặc dù tình trạng lây nhiễm HIV vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã có những thành tựu ngoạn mục trong công cuộc phòng, chống HIV, cứu được hàng trăm ngàn sinh mạng thoát khỏi tử vong do liên quan đến AIDS.
Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện trên Thế giới có 36,7 triệu người nhiễm HIV còn sống và khoảng 35 triệu người đã tử vong từ đầu vụ dịch.
Tại Việt Nam, nam giới nhiễm HIV chiếm 70%, nữ giới chiếm 30%, tập trung ở độ tuổi từ 30 - 40 tuổi. Nguy cơ lây chính là từ các nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM).
Phát biểu tại lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Ở Việt Nam, căn bệnh này được phát hiện muộn hơn so với Thế giới 10 năm, tính đến nay đã có 250.000 người nhiễm bệnh, trong đó có 92.000 người tử vong. Nhưng trong suốt 9 năm vừa qua, những con số này đều được giảm đáng kể, đó là nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đảng ủy, chính quyền và nhân dân cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế”.
Bà Marie Odile Emon – Giám đốc Quốc gia Cơ quan phối hợp của Liên hiệp quốc về phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam (UNAIDS) cũng khẳng định, năm 2017 là một năm ghi nhận các thành tựu đầy ấn tượng về công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.
Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người được điều trị kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên của khu vực châu Á – Thái Bình Dương cam kết thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức và vô vàn công việc phải hoàn thành.
Phó Thủ tướng nhắc về đại dịch HIV xuất hiện cách đây 35 năm đã gây ra hoảng loạn ở rất nhiều quốc gia. “Trước đây, đại dịch HIV lây lan rất nhanh chóng vì không có thuốc chữa trị, thậm chí còn bị gắn với vấn đề đạo đức. Nhưng hiện nay, công việc cấp thiết cần làm là phải nâng cao nhận thức để toàn dân hiểu đây là một căn bệnh chứ không phải tội lỗi hay điều xấu xa. Ở Việt Nam, cứ 100 người bị nhiễm HIV thì có 75 người đi khám và phát hiện bệnh. Tỉ lệ này nhìn chung đã cao hơn so với Thế giới”.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền để người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV cũng được đề cập và chú trọng. Được biết, 90% người bệnh được điều trị có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường, thậm chí kết hôn, sinh con hoàn toàn khỏe mạnh.
Trước đây, hầu hết kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là thuốc ARV là do nguồn viện trợ của quốc tế. Nhưng trong thời gian sắp tới, chính phủ Việt Nam sẽ dành thêm ngân sách, đồng thời cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.
“Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cả xã hội cần tạo điều kiện để những người đã lây nhiễm và có nguy cơ lây nhiễm không bị kỳ thị, được điều trị, giúp đỡ kịp thời. Chúng ta phải chung tay để thực hiện mục tiêu 90 – 90 – 90, không nơi lỏng nỗ lực để đẩy xa hoàn toàn đại dịch”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi.
Sau lễ mít tinh buổi sáng ngày 26/11, các học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang đã tham gia diễu hành nhằm tạo ra phong trào sâu rộng, khẳng định sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Cũng nhân dịp này, Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS Bộ Y tế cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã hỗ trợ, tặng quà cho các em nhỏ đang điều trị tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hải Dương.
Hoàng Ngọc