1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đau vùng trán kéo dài- triệu chứng sớm của bệnh ung thư dễ bị bỏ sót

(Dân trí) - Bệnh nhân có biểu hiện đau vùng trán kéo dài vài tháng đến khi được chẩn đoán thì đã ung thư xoang trán giai đoạn muộn. Đây là bệnh lý tương đối hiếm gặp.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết trong y văn thế giới, ung thư xoang trán từ lâu đã được biết là bệnh lý tương đối hiếm gặp, chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 0,3% trong số các ung thư xoang mặt nói chung. Tuy nhiên đây là một bệnh lý ác tính nguy hiểm.

Vị trí giải phẫu nằm tiếp giáp nhiều cơ quan, nên các triệu chứng của bệnh không điển hình dẫn tới khó khăn trong chẩn đoán. Trường hợp bệnh nhân V.T.T 73 tuổi trên là một ví dụ điển hình.

Đau vùng trán kéo dài- triệu chứng sớm của bệnh ung thư dễ bị bỏ sót - 1

Bệnh nhân được chẩn đoán muộn sau một thời gian có cảm giác đau kéo dài vùng trán. Trước đó người bệnh đã đi khám tại một vài bệnh viện với nhiều chẩn đoán khác nhau. 

Bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới lên với chẩn đoán u hốc mũi bên phải. Sau khi được thăm khám, đánh giá toàn trạng và tại chỗ, người bệnh được chẩn đoán bị ung thư xoang trán giai đoạn muộn T4N0M0, khối u đã xâm lấn sang các cơ quan lân cận như ổ mắt, nền sọ…

Bệnh nhân được hội chẩn đa chuyên ngành với hướng điều trị xạ trị sau đó phẫu thuật lấy khối u. Theo bác sĩ Thảo, kỹ thuật xạ trị điều biến liều đã làm giảm đáng kể khối lượng của khối u trong thời gian ngắn. 

Để chẩn đoán những bệnh lý tiềm ẩn như ung thư xoang trán, người bệnh cần phải được thăm khám kỹ với các trang bị hiện đại như nội soi tai mũi họng, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ (MRI) và PET-CT. Phát hiện sớm bệnh sẽ giúp quá trình điều trị tốt hơn.

Ung thư xoang trán là một bệnh lý nguy hiểm. Nếu được chẩn đoán sớm với các phương tiện hiện đại, bệnh vẫn có thể được điều trị, kéo dài và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người bệnh. 

Ung thư xoang trán thường thứ phát từ xoang sàng thâm nhiễm lên, chủ yếu ở người lớn. Tỷ lệ mắc bệnh ở cả hai giới như nhau. Về tổ chức học, loại ung thư biểu mô chiếm khoảng hơn 80%, còn sacoma thì rất hiếm.

Về triệu chứng lâm sàng, ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh giống như bệnh viêm xoang trán mạn tính hoặc viêm xoang trán có mủ. Phần lớn bệnh nhân ung thư xoang trán khi đến khám thường ở giai đoạn muộn, nên các triệu chứng rầm rộ hơn như đau đầu dữ hoặc u đã phá vỡ thành trước xoang trán làm cho vùng rễ mũi và vùng da ở góc trong lông mày bị đẩy phồng lên. 

Vì thế ở giai đoạn đầu cần phân biệt ung thư xoang trán với bệnh viêm xoang mạn tính, u xoang trán. Các bệnh này có lịch sử bệnh và tiến triển lâu năm, các triệu chứng không rầm rộ. Trên phim X-quang có hình ảnh mờ đều, không có hiện tượng phá hủy xương. 

Ở giai đoạn rầm rộ cần phân biệt với u nhày xoang trán, có tiền sử kéo dài hàng năm, có khi 8-10 năm, thể trạng toàn thân không ảnh hưởng gì. Khám lâm sàng và X-quang có các dấu hiệu đặc trưng của u nhày, trên phim X-quang thành xương bị ăn mòn chứ không bị phá huỷ nham nhở. 

Điều trị bệnh ung thư xoang trán chủ yếu là phẫu thuật phối hợp với tia xạ. Phần lớn bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn nên khả năng điều trị rất hạn chế. Nguyên nhân tử vong thường do viêm màng não hoặc thâm nhiễm vào não.

Bác sĩ khuyến cáo các triệu chứng sớm dù chỉ là cảm giác đau tức mơ hồ vùng trán và ổ mắt cần phải được lưu tâm và thăm khám kỹ.

Hà An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm