“Loạn giá thầu” trong báo cáo kiểm toán:

Đấu thầu tập trung sẽ hạn chế được chênh lệnh giá giữa các đơn vị

(Dân trí) - "Sự việc này cũng là lời cảnh tỉnh với các đơn vị, các đơn vị phải sâu sát chặt chẽ hơn. Tôi tin những việc này sẽ đi vào quy củ khi thực hiện đấu thầu tập trung. Đấu thầu tập trung sẽ hạn chế được câu chuyện chúng ta đang vướng, không còn tình trạng chênh lệch giá giữa các đơn vị" - GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chia sẻ.

Ngay sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán cho thấy có sự chênh lệch giá không nhỏ giữa các bệnh viện khi cùng nhập một loại thuốc, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - một trong những đơn vị phải giải trình vì “loạn giá thầu” trong báo cáo kiểm toán đã cuộc trao đổi thắn thắng với báo điện tử Dân trí

Gần 1.000 hóa chất giá mua không vượt trần của Bộ Y tế

Phóng viên: Thưa GS.TS Nguyễn Anh Trí, kết quả Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy, tại viện Huyết học có 2 loại hóa chất mua đắt hơn nhiều lần so với các viện khác. Ông giải thích như thế nào về độ “vênh” số tiền rất lớn so với viện khác dù cùng một sản phẩm nhập vào bệnh viện?

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương khẳng định, giá đấu thầu hóa chất tại Viện là tương đương, hoặc rẻ hơn các bệnh viện khác, không có hóa chất nào vượt trần giá Bộ Y tế đưa ra. Ảnh: H.Hải
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương khẳng định, giá đấu thầu hóa chất tại Viện là tương đương, hoặc rẻ hơn các bệnh viện khác, không có hóa chất nào vượt trần giá Bộ Y tế đưa ra. Ảnh: H.Hải

GS.TS Nguyễn Anh Trí: Trước hết, tôi khẳng định thông tin của Kiểm toán nhà nước là hoàn toàn chính xác. Ngay sau khi đọc được thông tin này, tôi đã giao đồng chí Lê Lâm - Phó giám đốc BV giải trình vấn đề này.

Trong bản báo cáo này có hóa chất Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml Viện mua của Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm với giá tiền hơn 16 triệu đồng.

Còn con số 2,8 triệu đồng tại BV Thống Nhất, ngày 24/5 Công ty Minh Tâm đã có công văn gửi đến Viện giải trình. Theo đó, Công ty tham gia gói thầu mua hóa chất của BV Thống Nhất và đã trúng thầu mặt hàng này với đơn giá 4,816 đồng/1ml. Tuy nhiên khi làm thầu công ty này đã tính sai đơn giá ml/hộp nên giá 01 hộp hóa chất là gần 11 triệu đồng. Tuy nhiên, trong suốt thời gian thực hiện gói thầu đơn vị này đã không cung cấp mặt hàng cho BV Thống Nhất.

Hóa chất thứ hai, 1 thùng Diff Timepac, 2x2075ml tại Viện Huyết học Truyền máu TƯ mua 42.607.000 đồng, Bệnh viện Chợ Rẫy 14.163.950 đồng.

Chúng tôi đã kiểm tra lại, thực tế vấn đề là 2 hộp hóa chất này có quy cách đóng gói khác nhau, hàm lượng khác nhau nên việc so sánh giá này không thể hiện được bản chất, một bên là hộp, 1 bên là kit nên tính ra hàm lượng giá là tương đương nhau.

So sánh với giá trúng thầu 1 thùng Diff Timepac tại BV Bạch Mai, Bệnh viện K là tương đương với giá trúng thầu vào Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Thưa ông, bản chất của sự chênh lệch giá đáng kể giữa các bệnh viện khi mua vào, dù cùng là một loại hóa chất là như thế nào?

GS.TS Nguyễn Anh Trí: Năm 2015, Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương mua gần 1.000 loại hóa chất. Tôi khẳng định, trong 1.000 hóa chất này có nhiều loại hóa chất viện mua rẻ hơn nhiều so với các cơ sở khác và không có loại nào mua giá vượt trần giá kế hoạch mà Bộ Y tế đề ra. Vấn đề này cũng được chứng minh trong báo cáo kiểm toán.

Phó Giám đốc Lê Lâm đã dẫn chứng thêm, có hóa chất Viện mua giá 4,9 triệu thì BV Chợ Rẫy mua 10 triệu, BV Việt Đức mua 9,4 triệu; Có hóa chất BV mua 3,4 triệu, BV Chợ Rẫy mua 16,6 triệu, BV Thống Nhất mua 2,4 triệu, BV Bạch Mai mua 2,9 triệu.

Có sự chênh lệch giá giữa các đơn vị là do giá thầu đưa ra khác nhau. Đây là bản chất của đấu thầu. Còn nếu đã đưa ra được một mức giá cố định, như một hộp thuốc có giá 5 triệu thì sẽ không cần phải đấu thầu. Hơn nữa khi đấu thầu không phải riêng lẻ từng loại hóa chất mà theo gói và nhà cung cấp sẽ cân nhắc nhiều vấn đề. Ví dụ cùng một loại nhưng bệnh viện A dùng nhiều, BV B dùng ít, họ căn cứ vào đó mới đưa ra giá chào, có sự chênh lệch giá nhất định giữa các đơn vị, bên cạnh đó còn các yếu tố quan hệ, quy mô bệnh viện...

Trước khi đấu thầu hóa chất, các bệnh viện sẽ phải lấy 3 báo giá của 3 công ty độc lập về cùng một mặt hàng, sau đó trình lên Bộ Y tế. Hội đồng của Bộ Y tế sẽ căn cứ vào báo giá của công ty, vào giá cả thị trường để đưa ra đơn giá dự toán (giá kế hoạch hay còn gọi là giá trần không được vượt). Khi xét thầu chỉ từ giá thầu đó trở xuống, không được vượt giá trần. Nếu xét thầu mà trúng với giá cao hơn giá khuyến cáo của Bộ Y tế là vi phạm. Tôi khẳng định, gần 1.000 hóa chất của Viện tuyệt đối không có hóa chất nào vượt trần giá kế hoạch của Bộ.

Năm 2015 BV thực hiện đấu thầu 4 gói hóa chất, tương ứng với 1000 loại hóa chất, giảm giá được từ 2 – 23% so với giá kế hoạch được Bộ Y tế phê duyệt.

Kỳ vọng đấu thầu tập trung!

Thưa ông, vậy có giải pháp nào để khắc phục tình trạng chênh lệch giá trúng thầu giữa các bệnh viện?

GS.TS Nguyễn Anh Trí: Để không còn sự chênh lệch giá khi mua cùng một mặt hàng giữa các bệnh viện, tôi cho rằng đơn vị xây dựng giá cần phải độc lập, chủ động và cập nhật liên tục về giá cả mới có thể đánh giá sát mức giá trần.

Trong tâm của tôi, rất mong muốn hoạt động đấu thầu được quy củ hơn. Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Bộ Y tế có biện pháp, phương pháp quản lý hóa chất giống như thuốc, công khai giá trên hệ thống mạng. Hiện nay, giá thuốc đã quản lý rất tốt, giá đấu thầu vào các bệnh viện dường như không có sự chênh lệch. Tôi tin rằng Bộ Y tế đang thực hiện theo lộ trình, tiến tới hóa chất, vật tư tiêu hao cũng công khai giá sẽ giúp các bệnh viện xây dựng giá thầu sát thực tế nhất.

Sự việc này cũng là lời cảnh tỉnh với các đơn vị, các đơn vị phải sâu sát chặt chẽ hơn. Tôi tin những việc này sẽ đi vào quy củ khi thực hiện đấu thầu tập trung. Đấu thầu tập trung sẽ hạn chế được câu chuyện chúng ta đang vướng, không còn tình trạng chênh lệch giá giữa các đơn vị.

Liên quan đến việc chênh lệch giá hóa chất đấu thầu, trang thiết bị nhập vào chưa sử dụng đã hỏng... Bộ Y tế đã yêu cầu 12 bệnh viện gồm: BV Lão khoa Trung ương; BV Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh; Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức; BV Mắt Trung ương: BV Da liễu Trung ương; BV Tai Mũi Họng Trung ương, BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên; BV Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội; BV Nhiệt đới Trung ương; BV C Đà Nẵng; BV Chợ Rẫy; Viện Huyết học truyền máu Trung ương giải trình, báo cáo về sự việc.

Hồng Hải (thực hiện)