1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đấu thầu giá thuốc: Trên lúng túng, dưới lùng nhùng

(Dân trí) - Sở Y tế nhiều tỉnh đã thông báo về tình trạng thiếu thuốc nghiêm trọng do không thể đấu thầu theo quy định. Cục Quản lý Dược chưa thể đưa ra phương án khả thi nào hơn cách... hứa.

Trên 50% loại thuốc không thể đấu thầu

Tại hội thảo về Quản lý giá thuốc do Cục Quản lý Dược mới tổ chức tại Hà Nội, Trưởng phòng Quản lý Dược Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết: có tới trên 50% mặt hàng thuốc không thể tổ chức đấu giá được mặc dù Sở đã chủ trương lấy giá thuốc từ đầu năm 2008. Hiện nay, các bệnh Viện của tỉnh đang rơi vào tình trạng thiếu thuốc nghiêm trọng. Mặc dù đã có hướng dẫn gần đây của Bộ về đấu giá thuốc nhưng so với tình hình giá thuốc leo thang hiện nay hướng dẫn này vẫn tỏ ra quá bất cập.

Bên cạnh đó, cho đến nay - tức là đã gần hết năm 2008 mà trên trang web của Cục mới đưa ra giá năm 2007, mức giá đã quá lỗi thời.

Theo đại diện ngành y tế tỉnh này, vấn đề đấu thầu giá thuốc đang gặp nhiều nan giải bởi "ngành Dược hiện vẫn chưa đối mặt với thực tế!”.

Đại diện Sở Y tế Thanh Hoá cũng bày tỏ sự lúng túng trong việc đấu thầu giá thuốc bởi cho đến gần đây, Cục mới đưa ra giá CIF (giá nhập khẩu đến cảng VN) của năm 2008 để đấu giá nhưng còn thiếu rất mặt hàng thuốc. Nếu cứ căn cứ vào bảng thông báo của Cục thì cũng không tiến hành đấu giá được.

Đại biểu Hoàng Văn Hảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An bức xúc cho biết: “Tình trạng thiếu thuốc tại tỉnh đang căng thẳng vì không thể đấu thầu. Mặc dù chúng tôi đã tiến hành đủ kiểu như: đấu thầu tập trung, theo khu vực hay từng cơ sở nhưng đến giờ vẫn... bí, chưa thể giải quyết được!”.

Để giải qyết vấn đề, ông Hảo đề nghị Cục nên giao vấn đề tăng giá thuốc, quản lý giá thuốc tăng (trong mức cho phép) cho chủ tịch tỉnh thì mới tránh được hiện tượng thiếu thuốc như hiện nay.

Đại diện của BV Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi T.Ư thì bày tỏ: "Do đặc thù của Viện nên thuốc và hoá chất cũng chỉ do một nhà cung cấp chuyển đến, không còn nơi nào sản xuất loại thuốc hoặc hoá chất đó, chẳng có đâu ra sự lựa chọn. Nếu cứ theo quy định phải tổ chức đấu thầu thì chỉ thêm nhiều gian chờ đợi, trong khi người bệnh lại không có thuốc dùng. “Nên chăng với những BV chuyên khoa, Cục nên chấp nhận cho bệnh viện mua với giá thuốc đã được quy định trong Bảo hiểm y tế”.

Có lúc khó khăn do tự mình tạo ra

Về vấn đề tăng giá thuốc, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết: "Lãnh đạo đơn vị đã tham mưu Bộ trưởng, xin ý kiến thủ tướng Chính Phủ về vấn đề điều chỉnh giá thuốc cho phù hợp. Tuy nhiên, vẫn chưa nhận được sự chấp thuận hoặc hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, vẫn phải tuân theo luật đấu thầu giá thuốc như quy định".

Về thông tin giá thuốc, ông Nguyễn Tất Đạt, phó trưởng phòng quản lý giá thuốc thừa nhận về sự chậm chạp trong cập nhật thông tin giá thuốc trúng thầu. Tuy nhiên, nó cũng thể hiện sự thiếu hợp tác của không ít đơn vị phía dưới.

“Quy định Cục đưa ra là kể từ khi đấu giá thuốc kết thúc 15 ngày, các bệnh viện phải gửi báo giá trúng thầu lên. Nhưng có doanh nghiệp hoặc Sở Y tế đã đấu giá xong rồi, Cục đã gửi công văn đến 3 lần mà vẫn chưa chịu gửi báo giá. Vì vậy, đơn vị chủ quản cũng không có thông tin để thông báo rộng rãi ”, ông Đạt nói.

Một đại diện thuộc phòng Quản lý giá thuốc của Cục Dược cũng góp ý: “Chính một số Sở Y tế tỉnh đang tự làm khó mình bằng việc không mua loại thuốc hoặc vật tư tương tự đang có bán trên thị trường (theo thông tư hướng dẫn của Cục) thay cho những loại mà công ty kinh doanh từ chối cung ứng (bỏ thầu), gây ra tình trạng thiếu thuốc".

Nhằm giải quyết nguy cơ thiếu thuốc và hoá chất chuyên biệt ở một số bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm, ông Thanh hứa sẽ xin ý kiến nhằm cân nhắc việc chỉ định thầu.

P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm