Đầu năm kể tiếp chuyện Nobel
Năm 2013 vừa sang trang. Nhiều vị đoạt giải Nobel đã qua đời. Xin kể các chuyện có thể bạn chưa nghe về những con người có lẽ bạn chưa biết đã ảnh hưởng đời sống chúng ta theo cách bạn không ngờ.
Gắn bó thật dài lâu. Jerome Karle cùng với Herbert Hauptman chia giải Nobel Hoá học 1985. Trước kia, sự phân định cấu trúc ba chiều của các phân tử là một thách thức đòi hỏi các nhà khoa học phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm mới hoàn thành. Karle và Hauptman giải quyết bài toán một cách hoàn hảo và nhanh chóng với các “phương pháp trực tiếp” để xác định các cấu trúc phức hợp tinh thể nhờ các phân tích sự khuếch tán tia X. Isabella Karle cũng có đóng góp lớn trong việc phổ biến cách ứng dụng phương pháp này. Khám phá mở đường cho các thành tựu quan trọng trong y học và nhiều lĩnh vực khoa học, giúp định tính các độc tố, các thuốc kháng độc tố, các kháng sinh, chất chống nghiện, các chất chống ung thư và kháng sốt rét.
Tiến sĩ Karle đến làm việc tại labô nghiên cứu của Hải quân Hoa Kỳ (NRL) năm 1944, vợ ông – tiến sĩ Isabella Karle vào NRL năm 1946. Khi nghỉ hưu năm 2009, thời gian phục vụ của họ gộp lại thì được 127 năm, một sự kiện lịch sử trong labô, với quốc gia và cả thế giới. Giáo sư Jerome Karle qua đời ngày 6.6.2013 ở tuổi 94, để lại người vợ gắn bó dài lâu.
Đầu óc tò mò và tâm hồn luôn tươi tắn của trẻ thơ. Donald Glaser nhận giải Nobel Vật lý 1960, ở tuổi 34 vì sáng chế (ở tuổi 25) phòng bong bóng (bubble chamber), một thiết bị giúp các nhà khoa học dõi theo đường đi của các electron, proton và các hạt cơ bản sau những cú va chạm, dẫn đến sự khám phá các nhóm hạt cơ bản mới. Sau giải Nobel, ông dành nửa đời nghề nghiệp cho ngành sinh học phân tử. Thật lạ lùng, nhà vật lý lừng lẫy cũng thật thành công trong sinh học. Năm 1971, bắt tay với hai người bạn Ronald E. Cape và Peter Farley lập công ty kỹ thuật sinh học Cetus Corp, áp dụng các thành tựu mới vào y học, phát minh các chất interleukin và interferon dùng điều trị ung thư. Hay nhất là một công cụ di truyền gọi là PCR (polymerase chain reaction) để khuếch đại phân tử DNA, chìa khoá vàng của chẩn đoán phân tử ngày càng phát triển hiện nay. Những năm 1980, Glaser lại chuyển sang lĩnh vực sinh học thần kinh. Thật đa tài. Suốt đời, ông có đầu óc nhạy bén, sự tò mò và tâm hồn tươi tắn của trẻ thơ.
Thú vị nữa: lúc theo học vật lý và toán học tiểu bang Cleveland, Glaser chơi đại hồ cầm trong dàn hoà tấu và chơi say mê vĩ cầm, dương cầm. Vợ ông, Lynn Glaser (nhũ danh Bercovitz) là một nhạc sĩ và hoạ sĩ.
Ảnh nhỏ: Giáo sư vật lý và sinh học phân tử Donald Glaser, đại học California Berkeley, đã êm ái ra đi trong giấc ngủ trẻ thơ, ngày 28.2.2013 ở tuổi 86. Ảnh lớn: Jerome Karle với máy khuếch tán tia X.
Tìm ra bao tử của tế bào. Tiến sĩ Christian de Duve là người nổi tiếng ở Bỉ, vì là người đoạt giải Nobel duy nhất còn sống ở nước này. “Tế bào có tất cả những gì cần thiết để sống, vì vậy cũng có các cơ quan rất nhỏ. Tôi có may mắn khám phá hai trong số này cũng như vào thời Vésale có người đã tìm thấy lá gan, người khác tìm ra bao tử. Tôi thì tìm ra bao tử của tế bào, tôi đặt tên là lysôsôm và một cơ quan khác, khó giải thích hơn gọi perôxysôm, có vai trò trong sự ôxít hoá, sự đốt cháy thức ăn, đốt cháy chất béo”. Lysôsôm được chứng minh là có giá trị đặc biệt. De Duve chia giải Sinh lý hoặc Y học 1974 với Albert Claude và George E. Palate. Vào cuối đời, ông chuyển sang việc tích cực tìm hiểu vì sao sự sống xuất hiện trên địa cầu.
Giáo sư de Duve tự kết liễu đời mình ngày 4.5.2013 vào tuổi 95, tại nhà riêng, trước mặt bốn người con. Ông đã chuẩn bị cho cuộc ra đi vĩnh viễn từ nhiều tuần lễ rồi và đã giải thích lý do và triết lý cuộc sống trong một phỏng vấn dài với báo Le Soir nước Bỉ. Mắc bệnh ung thư, không ở giai đoạn cuối, không bị cơn đau hành hạ nhiều. Vợ đã qua đời. Rất già và không muốn lệ thuộc. Bị té ngã vào ngày 1.4 và nằm quỵ vài giờ trên sàn nhà. Ông coi đây là sự báo hiệu tình trạng sẽ xấu hơn và quyết định thời điểm chết không đau, được cho phép ở nước Bỉ. “Ông mỉm cười bảo chúng tôi đừng than khóc, đây là hạnh phúc. Từ chối thuốc chống đau trước mũi chích cuối cùng, ông ra đi rạng rỡ” – con gái ông thuật lại.
Vặn tắt vặn mở các gen. Vào mùa hè năm 1940, một sinh viên y khoa trẻ rời khỏi nhà ở nước Pháp bị chiếm đóng, gia nhập kháng chiến chống Đức. Francois Jacob có ước mơ thành một bác sĩ mổ. Trong cuộc chiến Normandy, một quả bom suýt giết cậu ta. Các bàn tay không còn cho phép Jacob thành bác sĩ mổ. Năm 1950, Jacob đành gia nhập nhóm nghiên cứu nhỏ ở Pháp. Labô ọp ẹp, trang thiết bị cũ kỹ. Vậy mà Jacob đã tìm ra làm cách nào các gen hoạt động qua theo dõi các vi khuẩn. Đây là một trong những khám phá quan trọng nhất trong lịch sử sinh học. Tất cả các tế bào trong cơ thể chúng ta có cùng phân tử DNA, chúng lại rất khác nhau. Chẳng hạn như một nơron trong bộ óc dùng một nhóm gen giúp chúng ta suy nghĩ, một tế bào trong bao tử dùng nhóm gen giúp tiêu hoá thức ăn. Nếu không thể vặn mở hoặc vặn tắt các gen đúng điệu thì sẽ có biết bao xáo trộn. Jacob tìm ra các điều này, nhận giải Y học 1965. Năm ngoái, giáo sư Francois Jacob qua đời ở tuổi 92.
Lắng nghe bộ óc. Cùng khoảng thời gian đó, ở Mỹ một bác sĩ trẻ tên David Hubel để hết tâm trí vào các tế bào não. Chế tạo ra một điện cực tí ti, to cỡ sợi tóc để lắng nghe bộ óc, ông ghi nhận các thanh âm nhỏ của các nơron trong não. Trước kia, cứ ngỡ là bộ óc giống như một máy chụp hình, ánh sáng vào mắt chúng ta hoặc mùi vị vào mũi chúng ta, bộ óc chỉ có việc tiếp nhận rồi gom thành một hình ảnh của thế giới bên ngoài. Hubel tìm thấy bộ óc không thụ động, biết thay đổi và thích ứng làm thế nào chúng ta nhìn được. Ông chia giải Sinh lý hoặc Y học 1981 với Torsten Wiesel. Giáo sư qua đời ở tuổi 87.
Cuộc se duyên thần tình. Khoảng 10% các đôi uyên ương gặp chứng vô sinh. Edwards tìm cách cho đôi uyên ương hiếm muộn có con. Thụ tinh nhân tạo (IVF – in vitro fertilization) là quá trình cho thụ tinh một trứng bên ngoài cơ thể trong một đĩa nuôi cấy chứa tinh trùng giống. Dưỡng cho hợp tử phân chia thành phôi có tám tế bào rồi đem gắn phôi vào lại tử cung. Đổi nơi hò hẹn của tráng sĩ và giai nhân, se duyên xong thì lại đưa về tổ ấm. Sau 32 năm, Robert G. Edwards mới được trao giải vì “Mang niềm vui cho những người vô sinh trên toàn thế giới” – uỷ ban Nobel ca ngợi. Đã có hơn 4 triệu con cầu tự, giáo sư Robert G. Edwards, đầu tóc bạc phơ đến Stockholm nhận giải Sinh lý hoặc Y học 2010 tôn vinh cha đẻ của thụ tinh trong ống nghiệm. Ông mai mối thần thánh đã từ giã chúng ta vào ngày 11.4.2013 ở tuổi 87.
Thật khó tưởng tượng y học hiện đại lại không có cống hiến của các vị này.