1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đầu năm học, bệnh tay chân miệng “tăng vọt” gấp 2 lần

(Dân trí) - Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng trong tháng đầu của năm học mới đã “tăng vọt” so với tháng trước. Ngành y tế cảnh báo phụ huynh và các trường cần tăng cường giải pháp phòng chống tay chân miệng, chủ động bảo vệ sức khỏe cho con trẻ.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho hay, trong tháng 9 vừa qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trên địa bàn ghi nhận, toàn thành có 6.573 ca mắc bệnh tay chân miệng, bệnh đã tăng gấp 2 lần so với tháng 8. Cộng dồn số ca tay chân miệng tính từ đầu năm toàn thành phố đá có gần 15.000 trẻ bị nhiễm bệnh, khoảng 16% trong số đó phải nhập viện điều trị.

Đầu năm học, bệnh tay chân miệng “tăng vọt” gấp 2 lần - 1

Trẻ mắc bệnh điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1

May mắn chưa có ca bệnh tay chân miệng tử vong trong năm 2019. Tuy nhiên, với xu hướng bệnh đang gia tăng nhanh, dự báo thời gian tới nhóm trẻ dưới 5 tuổi sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm do tay chân miệng gây ra. Các trường mầm non và những nhóm trẻ gia đình trên địa bàn trở thành điểm nóng đối mặt với nguy cơ bị tay chân miệng tấn công tạo thành những ổ dịch phát tán ra cộng đồng.

Bệnh tay chân miệng lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và với đồ vật nhiễm chất tiết của người bệnh. Đến nay, bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa, những giải pháp hạn chế sự lây lan của bệnh phụ thuộc hoàn toàn vào các giải pháp không dùng thuốc thông qua vệ sinh cơ thể, vệ sinh khu vui chơi cũng như các dụng cụ học tập và đồ chơi của trẻ.

Trong tình hình bệnh đang gia tăng nhanh, ngành y tế khuyến cáo phụ huynh và các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn tuyệt đối không được chủ quan với tay chân miệng. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần rửa sạch bàn tay của trẻ và của chính mình bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần đối với đồ chơi, khu vực trẻ học tập, vui chơi; cho trẻ ăn chín uống chín, không cho trẻ dùng chung khăn, dùng chung muỗng, bát đĩa trong bữa ăn…

Đầu năm học, bệnh tay chân miệng “tăng vọt” gấp 2 lần - 2

Phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, điều trị khi bé có biểu hiện của tay chân miệng

Trường hợp trẻ có biểu hiện sốt, loét miệng, nổi mụn nước ở bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, điều trị. Hầu hết trẻ bị tay chân miệng được theo dõi, điều trị tại nhà, chỉ những ca bệnh ở mức độ nặng nguy cơ biến chứng mới phải nhập viện điều trị nội trú.

Trường hợp trẻ điều trị ngoại trú, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi sát diễn tiến bệnh. Ngoài các biểu hiện nổi mẫn, bóng nước ở tay chân và trong niêm mạc miệng, trẻ mắc tay chân miệng thường giật mình trong lúc thiu thiu ngủ, nếu tần suất trẻ giật mình trên 2 lần trong 30 phút kèm sốt cao khó hạ trên 2 ngày, đi đứng loạng choạng, yếu liệt… thì phải lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.

Khi trẻ bị bệnh hoặc có dấu hiệu bị bệnh cha mẹ cần thực hiện biện pháp cách li, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ để tránh nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, biến chứng. Tuyệt đối không cho trẻ đến trường hoặc tiếp xúc với các trẻ khác khi trẻ có những biểu hiện của tay chân miệng. Phụ huynh có con bị bệnh tay chân miệng, chỉ nên cho trẻ trở lại lớp khi đã có giấy xác nhận khỏi bệnh hoàn toàn của bác sĩ để tránh nguy cơ lây nhiễm cho các bé khác.

Vân Sơn