1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đau lòng những trường hợp 15 - 16 tuổi đã bị ung thư vú

(Dân trí) - BS CK II Lê Hồng Cúc, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết bà đã từng gặp bệnh nhân ung thư vú 16 tuổi và rất đau lòng khi bệnh nhân tử vong chỉ sau 2 tháng phát hiện bệnh.

Ung thư vú ngày càng trẻ hóa là một trong những nội dung được quan tâm tại Hội thảo Ung thư vú Việt – Pháp 2017 do bệnh viện K tổ chức trong 3 ngày qua (26-28/4).

Chia sẻ tại hội thảo, BS Hồng Cúc cho biết trường hợp bệnh nhân ung thư vú 16 tuổi bác sĩ đã gặp là cách đây hơn 10 năm (2003 - 2004). Bệnh nhân sống tại Vũng Tàu, đến khám do thấy một bên ngực bất thường, lớn quá nhanh và có u cục.

Trước đó, bệnh nhân đã từng đi khám tại địa phương và được bác sĩ kết luận là sự phát triển bình thường của tuổi dậy thì. Tuy nhiên, khi thấy một bên ngực lớn nhanh, lệch hẳn so với bên ngực còn lại, mẹ bệnh nhân đã đưa con lên thẳng bệnh viện khám. Lúc này khối u đã rất lớn.

Khi siêu âm, BS Hồng Cúc đã nghĩ ngay “Đúng ung thư vú rồi” nhưng khi nhìn bệnh nhân còn quá trẻ, BS Cúc không dám khẳng định bởi ung thư vú thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi.

Chỉ định sinh thiết sau đó đã cho kết quả chính xác là một khu u vú xâm lấn ác tính.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, PGS. TS. BS Nguyễn Đình Tùng, Phó Giám đốc Trung Tâm Ung bướu, bệnh viện Trung ương Huế, cho biết: Bác sĩ cũng đã từng gặp bệnh nhân 15 tuổi bị ung thư vú giai đoạn 1 cách đây 2-3 năm. Tuy nhiên, sau đó đến nay không thấy bệnh nhân này đến khám lại.

Do tuổi đời của bệnh nhân còn rất trẻ nên tốc độ phát triển của khối u rất nhanh. Vì vậy các bác sĩ bệnh viện ung bướu TPHCM đã lập tức áp dụng phương pháp hóa trị. Sau đợt hóa trị thứ nhất được 3 tuần, không thấy bệnh nhân quay lại, phía bệnh viện đã gọi điện. Mẹ bệnh nhân cho biết, bệnh nhân sức khỏe quá yếu và xin khất hẹn vài tuần để nâng thể lực cho con. Tuy nhiên, chỉ ít tuần sau bệnh nhân đã tử vong.

BS Cúc cho biết thêm, bệnh nhân trẻ ở khu vực phía Nam rất nhiều, tuần nào cũng có 2 ca từ 23-27 tuổi.

Chia sẻ với ý kiến này của BS Cúc, TS.BS Đỗ Doãn Thuận, bệnh viện K, cho biết hiện chưa có bất kỳ ghi nhận cụ thể nào về số liệu ung thư vú ở người trẻ tại Việt Nam. Nhưng có một điều hết sức rõ ràng là ở những viện chuyên khoa như BV K càng ngày càng thấy nhiều bệnh nhân trẻ và mức độ ác tính cao.

Trước xu hướng trẻ hóa bệnh nhân ung thư vú, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K Trung ương cho biết: "Chúng tôi sẽ phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu để tìm câu trả lời cho xu hướng trẻ hóa ung thư vú này".

Cần tầm soát càng sớm càng tốt


Chuyên gia Pháp đang hướng dẫn thực hành siêu âm phát hiện ung thư vú tại Hội thảo (Ảnh: Nhân Hà)

Chuyên gia Pháp đang hướng dẫn thực hành siêu âm phát hiện ung thư vú tại Hội thảo (Ảnh: Nhân Hà)

Số liệu dự báo 20 năm (1990-2010) về ung thư vú dựa trên kết quả điều tra những năm 90 với sự trợ giúp của các chuyên gia Anh, cho thấy: tỉ lệ mắc ung thư vú ở Việt Nam là 23 trường hợp/100 ngàn dân; độ tuổi mắc sớm hơn so với quốc tế (thường gặp ở bệnh nhân 35 tuổi, trong khi ở châu Âu là 45 tuổi).

Đây là một trong những lý do tuổi sàng lọc ung thư vú bắt đầu từ tuổi 30, thay vì 35-40 hay 50 như nhiều quốc gia khác, trong các chương trình sàng lọc ung thư vú tại Việt Nam.

Về cách tầm soát hiệu quả, các chuyên gia của hội nghị đều khẳng định chụp nhũ ảnh bằng thiết bị mammography sẽ cho hiệu quả chẩn đoán cao nhất. Tuy nhiên, chi phí cho một lần chụp không rẻ, trong khi mỗi 1,5 năm cần chụp 1 lần và thiết bị này rất đắt tiền nên không phải đơn vị y tế nào cũng có.

Do đó, BS Hồng Cúc, với 20 năm kinh nghiệm siêu âm ung thư vú, đã đề xuất thực hiện theo khuyến cáo đối với các nước nghèo, đang phát triển ở mức độ trung bình của các tổ chức uy tín trên thế giới.

Đó là ưu tiên khám lâm sàng: dạy cho người phụ nữ cách khám vú và bác sĩ khám vú cho bệnh nhân.

Tiếp đó, cần đẩy mạnh siêu âm vú định kỳ vì siêu âm không độc hại lại có thể phát hiện u vú có kích thước nhỏ dưới 1cm.

BS Hồng Cúc cho biết đã từng siêu âm phát hiện những khối u khi mới chỉ 5mm. Bệnh nhân khi đó chỉ phải phẫu thuật bảo tồn, dùng thuốc nội tiết và sống khỏe mạnh, không tái phát bệnh.

Theo BS Cúc đánh giá, người dân hiện đã có ý thức hơn, không chỉ có dấu hiệu bất thường mà ngay cả khi chưa có dấu hiệu gì, nhiều chị em cũng rất chăm đi khám nên nhiều trường hợp phát hiện sớm, điều trị hiệu quả.

Như trường hợp một bệnh nhân 22 tuổi (sống tại TPHCM) đến khám vú khi sắp lập gia đình. Do chưa có hạch nên kết quả điều trị rất tốt. Đầu năm 2017 vừa qua (sau 8 năm điều trị), bệnh nhân này đã về thăm bác sĩ Cúc và cho biết đã sinh 2 con khỏe mạnh.

Như vậy việc tầm soát sớm ung thư vú và đi khám ngay khi có dấu hiệu lạ bất kỳ ở độ tuổi nào cũng sẽ giảm thiểu được rủi ro cho chị em.

Hội thảo Ung thư vú Việt - Pháp đã diễn ra tại bệnh viện K từ ngày 26-28/4 với sự tham dự của đoàn chuyên gia từ nhiều trường đại học, bệnh viện lớn của Pháp như ĐH Paris Diderot - Paris, bệnh viện Avicenne Pháp, Viện Nghiên cứu dự phòng ung thư quốc tế ở Lyon....

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã có buổi gặp gỡ trao đổi thông tin về tình hình mắc ung thư cũng như công tác phòng chống ung thư mỗi nước, đồng thời chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong công tác phòng chống ung thư của nước Pháp.

Trần Phương

(Email: tranthuphuong@dantri.com.vn)