Dấu hiệu nhận biết sớm căn bệnh ung thư nguy hiểm ở phụ nữ

Minh Nhật

(Dân trí) - Phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống thêm 5 năm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung có thể lên đến 80-92%, song ở giai đoạn muộn thì chỉ còn 16%.

Cổ tử cung là một phần thuộc tử cung, nơi nối tiếp của âm đạo với tử cung, được bao phủ một lớp mô mỏng gồm nhiều tế bào. Bệnh ung thư cổ tử cung gây ra bởi sự phát triển bất thường, không kiểm soát của các tế bào ở cổ tử cung. Các tế bào phát triển nhanh chóng và tạo ra khối u ở cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Năm 2018, Việt Nam có khoảng 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này.

Những tác nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Dấu hiệu nhận biết sớm căn bệnh ung thư nguy hiểm ở phụ nữ - 1

- Nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus)

- Hút thuốc lá

- Suy giảm miễn dịch do thuốc, do mắc bệnh HIV/AIDS.

- Nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục như herpes sinh dục, HIV, chlamydia…

- Chế độ ăn ít trái cây và rau.

- Thừa cân có thể làm tăng nồng độ estrogen (hormone sinh dục nữ), dẫn đến nguy cơ cao bị ung thư tuyến.

- Sinh đẻ nhiều lần, sinh con sớm.

- Tiền sử gia đình có người bị ung thư cổ tử cung.

Dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư cổ tử cung

Dấu hiệu nhận biết sớm căn bệnh ung thư nguy hiểm ở phụ nữ - 2

Ra máu âm đạo bất thường

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ung thư cổ tử cung là ra máu âm đạo, dù đang giữa kỳ kinh, sau khi quan hệ, hoặc sau khi mãn kinh. Ra máu âm đạo bất thường nói chung là triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn, vì nó có nghĩa là khối u cổ tử cung đang lan rộng để ảnh hưởng đến các mô lân cận.

Khí hư âm đạo

Với ung thư cổ tử cung, khí hư có thể có mùi hôi và màu hồng, nâu hoặc có máu, có thể lẫn những mảnh mô hoặc chất hoại tử. Vì khối u tiết ra chất dịch, có thể góp phần gây khí hư chảy nước liên tục xảy ra không vì lý do gì.

Đau vùng chậu, lưng, hoặc chân

Đau vùng chậu có thể là dấu hiệu của thay đổi ở cổ tử cung. ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn thậm chí có thể lan tới bàng quang, ruột, phổi và gan. Khi đó, người bệnh xuất hiện những dấu hiệu như đau lưng hoặc đau chân.

Mệt mỏi

Vì hầu hết các triệu chứng ung thư cổ tử cung không xảy ra cùng nhau cho đến khi bước vào giai đoạn muộn, nó thường có chung một số triệu chứng với tất cả các bệnh ung thư. Mệt mỏi chắc chắn là một trong số đó. Một lý do là ra máu âm đạo bất thường, một trong những triệu chứng chính của ung thư cổ tử cung, có thể làm giảm lượng hồng cầu và oxy trong cơ thể, khiến bạn luôn cảm thấy kiệt sức.

Luôn cảm thấy buồn nôn

Cảm giác buồn nôn hoặc khó tiêu kéo dài có thể là một dấu hiệu của ung thư, bao gồm ung thư cổ tử cung. Đó là vì khi tiến triển, ung thư cổ tử cung có thể làm cổ tử cung sưng lên trong khoang bụng, chèn ép vào đường tiêu hóa và dạ dày gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng trào ngược a-xít.

Sụt cân ngoài ý muốn

Các yếu tố gây buồn nôn liên quan đến ung thư cổ tử cung cũng có thể gây sụt cân ngoài ý muốn. (Dạ dày bị chèn ép không chứa được nhiều thức ăn). Nếu mất đến 5 hoặc 10% cân nặng trong vòng 6 tháng, trong khi bạn không cố giảm cân, thì hãy đi khám bác sĩ.

Tiên lượng ung thư cổ tử cung

Khi thăm khám lâm sàng, nếu có dấu hiệu nghi ngờ cần tiến hành xét nghiệm tế bào và khi kết quả tế bào nghi ngờ cần sinh thiết vùng tổn thương để có chẩn đoán xác định về giải phẫu bệnh.

Xét nghiệm mô bệnh học qua bấm sinh thiết tại cổ tử cung cho phép chẩn đoán xác định phân loại mô học và độ mô học. Cần phải lưu ý rằng có khi hình ảnh cổ tử cung bình thường trên lâm sàng nhưng có thể có tổn thương trên vi thể hay ung thư nội ống cổ tử cung.

Đáng chú ý phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Phẫu thuật là phương pháp phổ biến đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm. Bác sĩ có thể phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung hoặc cắt tử cung toàn bộ, cắt tử cung triệt căn, vét hạch bằng mổ nội soi hoặc mổ mở.

Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống thêm 5 năm theo giai đoạn là: 

- Giai đoạn I: 80-92%

- Giai đoạn IIA: 63%

- Giai đoạn IIB: 58%

- Giai đoạn III: 30%

- Giai đoạn IV: 16%