Dấu hiệu cảnh báo ung thư phúc mạc

Hà An

(Dân trí) - Ung thư phúc mạc là một loại ung thư hiếm gặp, chỉ xảy ra ở khoảng 6 trong số một triệu người. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường có ít triệu chứng.

Con số chính xác về số người mắc rất khó ước tính, vì người ta cho rằng có tới 15% những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn muộn thực sự có thể bị ung thư phúc mạc nguyên phát.

Do thiếu các triệu chứng ban đầu, ung thư phúc mạc nguyên phát thường được chẩn đoán trong giai đoạn tiến triển của bệnh. Nó cũng có xu hướng lây lan nhanh chóng do sự phong phú của các mạch máu và mạch bạch huyết trong ổ bụng và xương chậu.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư phúc mạc - 1

Triệu chứng của ung thư phúc mạc

Theo Verywell Health, những người bị ung thư phúc mạc thường có ít triệu chứng cho đến khi bệnh ở giai đoạn khá nặng.

Khi các triệu chứng xảy ra, chúng thường mơ hồ và không đặc hiệu, bao gồm mệt mỏi, sưng bụng, đau bụng lan tỏa, đi tiểu nhiều và cảm giác no khi ăn.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm táo bón, thay đổi ruột, chảy máu âm đạo bất thường, khối u ở bụng hoặc giảm cân không chủ ý.

Khi bệnh tiến triển, các biến chứng có thể bao gồm:

- Cổ trướng (chất lỏng tích tụ trong bụng), gây khó chịu ở bụng, buồn nôn và nôn và khó thở do áp lực của vùng bụng đẩy lên phổi.

- Tắc đường tiết niệu do khối u làm tắc niệu quản, đôi khi phải đặt stent hoặc ống dẫn từ thận ra ngoài cơ thể.

Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro

Người ta không biết chính xác điều gì gây ra ung thư phúc mạc, mặc dù quá trình này bắt đầu khi một loạt các đột biến trong tế bào phúc mạc dẫn đến tăng trưởng ngoài tầm kiểm soát.

Ung thư phúc mạc thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và có các yếu tố nguy cơ tương tự như các yếu tố nguy cơ của ung thư buồng trứng.

Các yếu tố rủi ro bao gồm:

- Tuổi, với hầu hết những người được chẩn đoán là trên 60 tuổi.

- Có tiền sử ung thư vú.

- Sử dụng liệu pháp thay thế hormone (cả loại kết hợp và loại chỉ chứa estrogen).

- Tiền sử lạc nội mạc tử cung và béo phì.

- Việc sử dụng bột talc dưới thắt lưng cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ.

Ngược lại, có những yếu tố có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển bệnh. Chúng bao gồm sử dụng thuốc tránh thai (nguy cơ giảm có thể kéo dài 30 năm sau khi ngừng sử dụng), thắt ống dẫn trứng, sinh con, đặc biệt là trước 35 tuổi và cho con bú.

Một số người phải phẫu thuật dự phòng để cắt bỏ ống dẫn trứng và buồng trứng (cắt tử cung và cắt vòi trứng) do tiền sử gia đình bị ung thư buồng trứng hoặc đột biến gen BRCA. Trong khi điều này có thể làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng biểu mô lên đến 90%, nguy cơ ung thư phúc mạc vẫn còn.