1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Đau đầu vì nước sạch sinh hoạt

(Dân trí) - Thông tin về nguồn nước sinh hoạt của Hà Nội bị nhiễm độc khiến nhiều người dân lo lắng. Thiết bị lọc nước được xem như biện pháp giải quyết trước mắt. Tuy nhiên, theo cảnh báo từ chuyên gia, nếu không sử dụng đúng cách thì thiết bị này còn gây hại thêm.

 Đổ xô mua thiết bị lọc nước

Lo lắng trước thông tin nước sinh hoạt của Hà Nội bị nhiễm độc, chị Ngọc Hà (ở Quán Thánh) vội vã đi tìm mua thiết bị lọc nước với hy vọng cải thiện nguồn nước đang sử dụng.

Có đi tìm hiểu chị Hà mới thấy bất ngờ bởi sự đa dạng, phong phú về chủng loại, nhãn hiệu của những thiết bị lọc nước đang bán trên thị trường. Chỉ cần nghe khách yêu cầu thiết bị lọc nước, chủ cửa hàng trên phố Nguyễn Thái Học, phố Huế, Cát Linh sẽ hồ hởi giới thiệu đủ loại thiết bị lọc nước từ lọc thô đến lọc tinh với nhiều xuất xứ khác nhau: Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Singapore, Mỹ, Hàn Quốc...

Giá của các loại thiết bị cũng vô cùng, lọc thô 250.000 - 400.000đ/bộ, thiết bị lọc tinh 500.000 - 10.000.000đ/bộ. Tất cả đều có chứng nhận chất lượng từ nơi sản xuất.

Khi chị Hà tỏ vẻ băn khoăn và muốn hỏi thêm về quy trình lọc và khả năng lọc, cũng như cách sử dụng tốt nhất thì các chủ cửa hàng đều nói rằng: "Cứ về lắp đặt theo tờ hướng dẫn sử dụng là được".

Một chủ cửa hàng trên phố Huế cho biết: "Hiện trên thị trường có khoảng 50 nhãn hiệu máy lọc nước nội, ngoại với đủ loại giá và có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách. Loại đang bán  rất chạy hiện nay có xuất xứ từ Malaysia có thể loại bỏ được mọi chất độc có trong nước, kể cả asen và amoni". Tuy nhiên chất lượng đảm bảo đến đâu thì hoàn toàn do nơi sản xuất công bố và chịu trách nhiệm.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, TS Lê Văn Cát, Phòng hóa môi trường,Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định: Vấn đề nhiều nguồn nước ngầm ở Hà Nội bị ô nhiễm không hề mới. Từ nhiều năm trước, vấn đề này đã được nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học (Viện địa chất, Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Khoa học công nghệ VN), Trường Đại học Y Hà Nội báo cáo lên UBND Thành phố). Một số biện pháp khắc phục đã được đưa ra như bổ sung thêm nguồn nước mặt (sử dụng nước sông Hồng, sông Đà). Tuy nhiên, cho đến nay mọi hoạt động mới chỉ ở mức... dự án.

Dù vậy, TS Cát cũng nhấn mạnh không phải tất cả mọi nguồn nước ngầm trong thành phố đều ô nhiễm quá mức. Theo khảo sát, riêng ở phía Nam thành phố mức độ ô nhiễm amoni và asen cao hơn cả. Còn khu vực Hà Nội mới (Hà Tây, Đông Anh..) thì những công bố về chất lượng nước vẫn chưa được báo cáo cụ thể.

TS Cát khuyên, điều đầu tiên các gia đình cần quan tâm khi quyết định mua thiết bị lọc nước làn phải xét nghiệm để biết nguồn nước gia đình nhà mình có nằm trong diện ô nhiễm hay không và nhiễm chất gì. Sau đó mới dùng loại thiết bị lọc phù hợp.

Chất lượng thiết bị lọc: Hỗn loạn!

Cũng theo TS Cát hiện nay thị trường thiết bị lọc nước đang trong tình trạng khá hỗn loạn. Chất lượng của thiết bị đảm bảo đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào công bố của nhà sản xuất về không hề chịu sự giám sát nào từ cơ quan chức năng.

Ông cũng đã tìm hiểu về sự am tường của người bán hàng về thiết bị lọc nước và nhận thấy hầu như họ không có hiểu biết cơ bản về bản chất của các phương pháp lọc.

“Không có loại thiết bị nào có thể lọc cùng một lúc cả asen và nitrit, nitrat (sinh ra trong quá trình lưu trữ nước có chứa amoni). Cũng như với mỗi loại bệnh thì cần có thuốc trị khác nhau. Trong khi đó có những gia đình đã bỏ tiền mua những thiết bị lọc khá đắt tiền mà không cần biết nguồn nước đang dùng trong tình trạng thế nào”, TS Cát nói.

Bên cạnh đó, sự hướng dẫn qua quýt của phía bán thiết bị lọc cũng đem lại những tác hại không nhỏ. Ví dụ, trong nguồn nước của một hộ gia đình thực sự có nhiễm amoni và cần phải dùng thiết bị lọc nước. Nhưng vì không được hướng dẫn đúng cách dùng, thời gian thay rửa, nên bộ lọc của gia đình đã giữ lại và sinh thêm những chất có hại khác, hoà thêm vào nguồn nước.

Cần lưu ý, hiện không ít cửa hàng bán thiết lọc nước bán cả những thiết bị thử nước với giá bán trên dưới 200 ngàn đồng. Đây là chiếc máy xét nghiệm có hai cặp điện cực, khi nhúng một cặp điện cực vào cốc nước có chứa khoáng chất hay còn gọi là ion sẽ tạo nên dòng điện và có hiện tượng nước chuyển màu (màu nâu, đỏ hay vàng...).

Tuy nhiên, những thiết bị này không thể đưa ra kết quả chính xác. Tại phòng xét nghiệm của các Viện khoa học, mẫu nước thường được phân tích bằng phương pháp quang phổ cùng những hoá chất chuyên dụng thì mới cho ra kết quả.

Vì vậy nếu người dân có nhu cầu cần xét nghiệm nước có thể đem đến những phòng thí nghiệm của các Viện nghiên cứu khoa học. Giá mỗi mẫu xét nghiệm khoảng 10.000 đồng.

P. Thanh