Đau đầu từng cơn, thiếu nữ 16 tuổi phải mổ cấp cứu lấy máu tụ
(Dân trí) - Bệnh nhân N.T.T (16 tuổi, ở Gia Bình, Bắc Ninh), bị đau đầu từng cơn, tiếp đó đau nửa người trái, nhập viện trong tình trạng kích thích, vật vã và được các bác sĩ bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ định mổ ngay.
Bố bệnh nhi T. cho biết, thấy con gái đau đầu từng cơn, chuyển sang đau nửa người trái (chạm vào là đau), gia đình đã lập tức đưa lên bệnh viện tuyến huyện. Bệnh viện huyện lập tức chuyển lên bệnh viện tỉnh.
Sau khi chiếu chụp cho kết quả tụ máu não, bệnh nhi nhanh chóng được chuyển lên bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào sáng ngày 19/5.
TS.BS Nguyễn Vũ, Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội, cho biết kết quả chụp MS CT phát hiện khối dị dạng động tĩnh mạch vùng vận động gây liệt nửa người. Bệnh nhân được chẩn đoán máu tụ trong não do dị dạng mạch não và được chỉ định mổ cấp cứu: lấy máu tụ trong não, lấy khối dị dạng mạch.
Sau mổ bệnh nhân tỉnh, tự co chân tay được, còn yếu nhẹ nửa người trái. Ngày 29/5 bệnh nhi ra viện và đến hôm nay sức khỏe đã gần như bình thường do được châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp tại viện và thực hiện các bài tập theo hướng dẫn của bác sĩ khi về nhà.
Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân T., gia đình rất lo lắng và nhanh chóng đưa T. đi viện ngay bởi đã có 2 trường hợp cùng làng (ở độ tuổi 17-18) bị đau đầu, uống thuốc được 3 ngày thì tử vong. Còn một trường hợp khác cùng làng, vừa lấy chồng làng bên cũng tử vong khi đau đầu mà không vào viện.
Dấu hiệu cần cảnh giác
BS Nguyễn Vũ cho biết, tình trạng dị dạng mạch máu não gây đau đầu ở người trẻ không hiếm gặp. Từ đầu năm tới nay, bệnh viện Đại học Y đã gặp khoảng 10 trường hợp.
Đây là loại dị dạng mạch máu bẩm sinh nguy hiểm nhất, do sự hình thành của một đám rối mạch máu bất thường trong não từ thời kỳ bào thai, nối thông động mạch và tĩnh mạch não, không cấp máu cho nhu mô não, khi vỡ gây đột quỵ chảy máu não.
Dị dạng động tĩnh mạch não phát triển theo thời gian, tồn tại không triệu chứng trong nhiều năm và được phát hiện chủ yếu ở độ tuổi 10-40 tuổi. Các biểu hiện lâm sàng điển hình nằm ở một trong 4 nhóm sau:
Chảy máu não (50-60%),
Đau đầu, động kinh (40-45%),
Tình cờ phát hiện khi đi khám khi có biểu hiện đau đầu, co giật cục bộ nhẹ (5-10%),
Dấu hiệu thần kinh khu trú
Khi chưa vỡ, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu mạn tính, điều trị nội khoa không khỏi, có những cơn co giật kiểu động kinh..
Khi bị vỡ sẽ gây chảy máu não, thường chảy máu trong nhu mô não, có thể chảy máu não thất hoặc kết hợp, rất hiếm khi chảy máu dưới nhện. Triệu chứng đột ngột, cấp tính với mức độ nặng nhẹ khác nhau với các biểu hiện: đau đầu dữ dội, nôn, buồn nôn, tăng huyết áp, ý thức có thể bình thường, hoặc lơ mơ, thậm chí hôn mê, yếu liệt nửa người, khó nói hoặc không nói được…
Trẻ em dường như ít có nguy cơ chảy máu hơn so với người lớn.
Kết quả chụp MS CT phát hiện khối dị dạng động tĩnh mạch vùng vận động (Ảnh: BS cung cấp)
Phương pháp điều trị
Phẫu thuật mở: mở hộp sọ, kẹp và cắt các mạch máu dị dạng. Thường áp dụng khi khối dị dạng vỡ gây máu tụ nội sọ hoặc khối dị dạng lớn gây dấu hiệu thần kinh khu trú
Phẫu thuật tia xạ: không mổ, dùng chùm tia xạ chiếu từ ngoài làm tổn thương các tế bào thành mạch bệnh lý, làm hẹp dần và tắc các mạch dị dạng
Can thiệp nội mạch: không mổ, dùng ống thông nhỏ đi qua động mạch đùi lên não, sử dụng chất gây tắc là keo (glue) hoặc Onyx để bơm tắc dị dạng động tĩnh mạch qua ống thông (nút mạch)
Thông thường những dị dạng nhỏ < 3cm và cấu trúc đơn giản, có thể được điều trị triệt để bằng phương pháp nút mạch. Những dị dạng lớn hơn và cấu trúc phức tạp thường được điều trị phối hợp các phương pháp. Với các trường hợp này, các bác sỹ thường nút mạch trước để làm giảm bớt kích thước dị dạng, sau đó phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật tia xạ. Tùy tình trạng toàn thân và tổn thương của mỗi bệnh nhân, phương pháp và kế hoạch điều trị sẽ được lựa chọn một cách phù hợp nhất.
Nhân Hà