Đầu đạn nằm trong cơ thể cụ ông hơn 50 năm

(Dân trí) - Sáng 2/3, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ vừa phẫu thuật thành công lấy đầu đạn trong cơ thể của người đàn ông suốt 51 năm qua.

Đầu đạn nằm trong cơ thể cụ ông hơn 50 năm - 1
Hình đầu đạn sau khi lấy ra khỏi cơ thể

Trước đó ngày 17/2/2020, ông Lê Văn S. (sinh năm 1949, quê ở Hậu Giang) được gia đình đưa đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. trong tình trạng đau lưng nhiều. Bệnh nhân là một cựu chiến binh đã từng tham gia trận đánh vào năm 1969 và trúng đạn vào vùng hông lưng phải.Viên đạn nằm sâu trong vùng hông lưng. Do vị trí khó kèm điều kiện y tế thời bấy giờ nên dù cố gắng hết sức nhưng các bác sĩ quân y thời đó cũng không lấy hết toàn bộ viên đạn ra khỏi người ông. Phần còn lại của viên đạn vẫn còn kẹt lại ở vùng cơ thắt lưng của ông 51 năm.

Ông đã đi khám tại nhiều bệnh viện nhưng các bác sĩ đánh giá việc lấy ra là không khả thi và việc phẫu thuật có thể xảy ra các biến chứng có thể gây liệt chi không đi lại được. Do đó, ông Sáng chấp nhận nó như là một phần của chính mình, và cũng phải chấp nhận những cơn đau khó chịu khi trái gió trở trời do mảnh đạn gây ra. Trước khi nhập viện 2 tuần, ông bị đau lưng nhiều hơn, đi lại ngày càng khó khăn, cơn đau ngày càng nặng. Sau khi được thăm khám tỉ mỉ, đối chiếu và kiểm tra các cận lâm sàng, các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh đánh giá mảnh đạn này nằm sâu trong khoang sau phúc mạc, bên phải ngang mức đốt sống thắt lưng.

Đầu đạn nằm trong cơ thể cụ ông hơn 50 năm - 2
BS khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Cuộc hội chẩn liên khoa cho thấy nhiều khó khăn khi tiến hành phẫu thuật tìm và lấy viên đạn, vì viên đạn nằm sâu trong các lớp cơ, phía sau các tạng trong ổ bụng, gần niệu quản và mạch máu lớn, lại khó định vị vì có thể di lệch khi xác định.

Ngoài ra, do viên đạn đã nằm rất lâu trong cơ thể bệnh nhân nên việc dính với các cấu trúc lân cận khiến cho việc bóc tách có thể phức tạp hơn. Cuối cùng, các bác sĩ đã thống nhất hướng điều trị tối ưu nhất, thuận lợi nhất là tiếp cận vào từ đường sau xuyên qua các lớp cơ với hệ thống ống nong ít xâm lấn.

Ngày 26/2, ê kíp phẫu thuật, tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân bằng cách để bệnh nhân nằm sấp, đánh dấu da vị trí của đầu đạn trên màn hình tăng sáng 2 chiều. Việc định vị được tiến hành tỉ mỉ, cẩn thận vì chỉ cần lệch một chút viên đạn sẽ nằm ngoài phẫu trường, độ khó cuộc mổ sẽ thay đổi hơn rất nhiều lần ...

Và cuối cùng, các bác sĩ bắt đầu rạch da, luồn từng ống nong vào tiếp cận đến tổn thương, định vị trong mổ cẩn thận từng bước, bóc tách và cầm máu từng bước một để rồi sau khoảng 90 phút, ê kip mổ đã tiếp cận và lấy thành công đầu đạn 51 năm tuổi.

Sau mổ ngày đầu tiên, triệu chứng trước mổ cũng cải thiện nhiều. Hiện ông Sáng có thể vận động bình thường, dự kiến, ngày mai bệnh nhân sẽ được xuất viện.

Phạm Tâm