Dầu ăn: Dùng đúng mới khỏe!
Dầu ăn rất quen thuộc với người nội trợ nhưng thế nào là chế biến và bảo quản dầu ăn đúng cách thì không hẳn ai cũng biết. Và đây cũng là chủ đề của hội thảo “Hướng dẫn sử dụng dầu ăn đảm bảo an toàn thực phẩm và có lợi cho sức khỏe”.
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo “Hướng dẫn sử dụng dầu ăn đảm bảo an toàn thực phẩm và có lợi cho sức khỏe" với sự tham gia của nhiều chuyên gia dinh dưỡng và đông đảo chị em phụ nữ. Nhiều thắc mắc đã được chia sẻ và dưới đây là giải đáp của các chuyên gia:
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên mỗi gia đình nên có sẵn 2 loại dầu ăn.
Các loại dầu tinh luyện như hướng dương, đậu nành, hạt cải, ô-liu… nên dùng để xào, ăn sống, ướp thực phẩm, giúp người sử dụng hấp thu tốt các vitamin A, D, E, K có sẵn trong thực phẩm, bổ sung các acid béo thiết yếu và tăng vị ngon cho thức ăn.
Còn các loại dầu cooking (hỗn hợp) sẽ thích hợp cho việc chiên rán vì có khả năng chịu được nhiệt độ cao trong quá trình nấu nướng.
Chọn dầu ăn đúng cách là góp phần bảo vệ sức khỏe
Bổ sung theo độ tuổi
Trẻ em cần nhiều chất béo để cung cấp năng lượng cho quá trình tăng trưởng và phát triển trong những năm đầu đời. Theo T.S Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng,khoảng 6 tháng tuổi, khi trẻ mới tập ăn dặm, các mẹ chỉ cần thêm nửa thìa café dầu ăn (2,5ml/lần), sau đó tăng lên 1 thìa café (5ml/lần), không quá 3 lần/ngày. Đến 9 tháng tuổi, lượng dầu cần bổ sung là 2 thìa café (10ml); ngoài 1 tuổi, phải 3 thìa dầu ăn mới đủ năng lượng cho các bé.
Trong giai đoạn này, cần cung cấp đầy đủ và đa dạng chất béo cho trẻ từ cả hai nguồn động, thực vật, đặc biệt là DHA, omega 3 có nhiều trong dầu cá hồi và một số loại dầu thực vật. Vì vậy, nên dùng xen kẽ các loại dầu ăn để cung cấp đa dạng dưỡng chất cho trẻ. Có thể cho trẻ sử dụng dầu ăn đặc chế cho trẻ em, có thành phần kết hợp giữa dầu cá hồi với dầu mè, hạt cải, dầu gạo, giúp đáp ứng được nhu cầu đặc biệt về chất béo và DHA cho trẻ.
Riêng với người bị bệnh về mỡ máu hoặc thừa cân thì tốt nhất nên dùng các loại dầu thực vật có tỉ lệ chất béo không bão hòa cao để giảm lượng mỡ hấp thu vào cơ thể, lượng dầu tốt nhất không quá 25ml/ngày. Với những người già có nguy cơ mắc các bệnh về mỡ máu và các bệnh do thừa cân thì lượng dầu chỉ nên 20ml/ngày.
Màu vàng sáng mới là dầu tốt
Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, cho biết:chất lượng dầu ăn phụ thuộc vào công nghệ tinh chế và chất lượng nguyên vật liệu đầu vào. Dựa vào cảm quan, các bà nội trợ nên chọn loại dầu có màu vàng sáng, mùi thơm nhẹ, hơi sánh.
Tiến sĩ cũng khuyên các chị em phụ nữ nên lựa chọn các sản phẩm, thương hiệu của nhà sản xuất có uy tín vì các sản phẩm được sản xuất với công nghệ tốt, chất lượng được kiểm nghiệm chặt chẽ và được các cơ quan chức năng kiểm tra, chứng nhận.
Dầu đông – Hiện tượng bình thường!
Lưu trữ trong dầu đông giúp bảo quản rau thơmlâu hơn – Nguồn: sưu tầm
Trả lời về quan điểm cho rằng dầu đông là do kém chất lượng hoặc không nên sử dụng,TS.BS Nguyễn Thị Lâm, Viện Phó Viện dinh dưỡngcho biết: mỗi loại dầu ăn có “điểm đông” hay khả năng chịu đựng nhiệt độ lạnh khác nhau. Nếu bảo quản trong nhiệt độ lạnh, một số loại dầu như: dầu mè, dầu đậu phộng, dầu ô liu, chỉ cần vài phút là đông. Còn một số loại khác như dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu gạo… có thể chịu được vài ngày, thậm chí vài tuần.Các kết quả nghiên cứu cho thấy, dầu đóng đông khi nhiệt độ xuống thấp là hiện tượng vật lý bình thường, hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng của dầu, cũng như sức khỏe người sử dụng. Ở nước ngoài người ta còn bảo quản dầu ăn ở nhiệt độ lạnh để bảo toàn trọn vẹn hương vị của sản phẩm. Để tránh hiện tượng đông, nên bảo quản dầu ăn ở nhiệt độ 25 độ C. Trường hợp dầu bị đông, chỉ cần ngâm chai dầu vào nước ấm, dầu sẽ trở lại trạng thái lỏng và có thể sử dụng bình thường. |