Đặt mục tiêu thuốc nội đủ phục vụ 80% nhu cầu sử dụng thuốc

(Dân trí) - Đó là mục tiêu được đặt ra trong quyết định số 68 về chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, đến 2020, ngành dược Việt Nam sẽ đáp ứng được 20% nguyên liệu sản xuất thuốc, đáp ứng 80% thuốc sử dụng trong nước là “made in VN”, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%.

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho biết: Thủ tướng chính phủ yêu cầu ngành dược đáp ứng 100% vắc xin cho tiêm chủng mở rộng và 30% vắc xin cho tiêm chủng dịch vụ. Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu có 6 nhóm giải pháp, thứ nhất là xây dựng luật, cơ chế chính sách để làm đường ray cho môi trường pháp lý cho phát triển, thứ hai là giải pháp về đầu tư, thứ 3 giải pháp về thanh kiểm tra, thứ 4 là giải pháp về quy hoạch, thứ 5 là nhóm giải pháp về khoa học kỹ thuật, thứ 6 là nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, ngành dược trong nước phải đáp ứng được 80% nhu cầu sử dụng thuốc.

TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược
TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược

Sau hai năm triển khai chương trình người Việt dùng thuốc Việt, tỷ lệ thuốc nội sử dụng chưa tăng được nhiều. Có gì trở ngại trong quá trình thực hiện mục tiêu này, thưa ông?

Ông Trương Quốc Cường: Chúng tôi cho rằng dù có khó khăn nhưng đây là giải pháp khả thi vì có sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ của bộ ngành, đặc biệt chúng ta có định hướng phát triển tiềm năng của Việt Nam mà lâu nay chúng ta chưa tận dụng hết đó là thuốc từ dược liệu, dược liệu Việt Nam, thuốc nam đúng như ông tổ ngành y Tuệ Tĩnh đã nói là “Nam dược trị Nam nhân”.

Đây là lợi thế so sánh rất lớn mà không phải nhiều nước trên thế giới có được, với thiên nhiên ban tặng cho chúng ta với khí hậu, thổ nhưỡng để có cây dược liệu quý để chữa bệnh. Chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo bộ, chính phủ để đưa ra cơ chế chính sách, tăng đầu ra cho sản xuất thuốc từ dược liệu của Việt Nam để có đầu ra và đồng thời cũng có đầu vào giúp cho nông dân chúng ta trồng những dược liệu quý của mình để tăng nguồn thu nhập.

Bên cạnh đó Bộ Chính trị đã có đề án triển khai chính sách Người Việt dùng hàng Việt, Bộ Y tế cũng đã có và triển khai đề án người Việt dùng thuốc Việt. Chúng tôi triển khai tới tất cả các bệnh viện từ T.Ư đến địa phương. Từ khi triển khai đề án thì tỷ lệ thuộc nội sử dụng đã tăng đáng kể.

Ở các tỉnh tỷ lệ thuốc nội chiếm 44% so với trước chỉ được 25%. Ở tuyến trung ương, con số này tăng 14% (trước đây là 12%). Tăng trưởng của thị trường thuốc từ dược liệu đã gia tăng: Năm 2012 lên tới 3.500 tỷ đồng, tăng 40% so với 2010, mức tăng trưởng này chứng tỏ cơ hội lớn cần được các nhà sản xuất thuốc trong nước tận dụng. Tôi cho rằng như vậy bước đầu là ổn.

Tại hội nghị mới tổ chức ở Hà Nội triển khai chiến lược phát triển ngành dược, ông có nói ngành dược trong nước còn đầu tư lệch, quá nhiều thuốc thông thường nhưng lại ít thuốc chuyên khoa đặc trị, dạng dùng mới. Điều này có đặt ra những hướng đi gì mới cho phát triển ngành dược không, thưa ông?

Ông Trương Quốc Cường: Tính đến tháng 11/2014, cả nước có 129 đơn vị đạt GMP (Thực hành tốt sản xuất thuốc), trong đó có 104 doanh nghiệp sản xuất tân dược. 25 doanh nghiệp sản xuất đông dược, 4 cơ sở sản xuất vắc xin. Nhưng nếu xét về dây chuyền thì có quá nhiều dây chuyền GMP sản xuất thuốc viên, cốm, kem mỡ, thuốc dùng ngoài, mà quá ít dây chuyền sản xuất thuốc tiêm bột dạng đông khô, thuốc dạng viên đạn, viên trứng là các thuốc có dạng dùng mới. Một trong những vấn đề chính mà chúng tôi quan tâm là làm sao chuyên môn hóa các doanh nghiệp sản xuất thuốc, hạn chế trùng lắp dây chuyền cũng như cơ cấu sản phẩm. Do đó thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước về dược sẽ công bố rõ ràng các định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp dược, các định hướng ưu đãi đầu tư, theo hướng xác định rõ các nhóm hoạt chất, dạng bào chế khuyến khích đầu tư và được hưởng ưu đãi, như vậy để “gỡ” tình trạng đầu tư lệch hiện nay.

Thuốc nội địa giá phù hợp rõ ràng có lợi thế cạnh tranh. Nhưng chất lượng thuốc là vấn đề người dân rất quan tâm. Xin hỏi ông một câu rất thật là thuốc nội chất lượng có tốt hay không?

Ông Trương Quốc Cường: Trong số các thuốc generic (thuốc phiên bản) sản xuất trong nước, có 231 thuốc đã được công nhận đạt tương đương sinh học, tức giá trị điều trị đạt tương tự thuốc gốc. VN hiện đang có 3 Trung tâm đánh giá tương đương sinh học cho thuốc. Lộ trình tới đây sẽ bắt buộc thử tương đương sinh học với các hoạt chất trong danh mục cần đánh giá.

Theo thông tư 08 thì có 12 hoạt chất trong nhóm này, nhưng các doanh nghiệp dược thực tế đã đi trước và chủ động thử tương đương sinh học, như Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư đã triển khai 44 hoạt chất, Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM trên 40 hoạt chất.

Ngoài ra, cục quản lý Dược có yêu cầu tất cả công ty dược phải kiểm nghiệm 100% các lô thuốc trước khi lưu hành để đảm bảo chất lượng. Đồng thời, do thuốc có thành phần phức tạp, mức độ ổn định không cao, khó bảo quản nên chúng tôi làm rất chặt công tác kiểm tra hậu mại thường qui để loại bỏ những thuốc kém chất lượng ra khỏi thị trường, để đảm bảo người dân được sử dụng thuốc an toàn hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Nhân Hà (ghi)