Đắp lá thuốc trị rắn cắn bệnh nhân bị rối loạn đông máu

(Dân trí) - Trở về dọn căn nhà sau nhiều năm bỏ hoang, bà H. không may bị rắn chàm quạp cắn. Nạn nhân được đưa đi đắp thuốc nam nhưng rơi vào tình trạng lơ mơ phải nhập viện cấp cứu. Bác sĩ xác định, bệnh nhân bị nhiễm độc nặng, rối loạn đông máu phải điều trị tích cực.

Ngày 17/5, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp bị rắn căn nhập viện trong tình trạng nặng. Bệnh nhân là bà Lê Thị H. (42 tuổi, ngụ tại Bà Rịa – Vũng Tàu) được chuyển đến với chẩn đoán bị rắn độc cắn.

Đắp lá thuốc trị rắn cắn bệnh nhân bị rối loạn đông máu - 1

Rắn độc cắn có thể cướp đi sinh mạng nạn nhân nếu không được điều trị kịp thời

Khai thác bệnh sử được biết, gia đình bà H. nhiều năm qua đi làm mướn tại Đồng Nai, căn nhà ở quê bỏ hoang, không có người ở. Mới đây, vợ chồng bà quyết định trở về sinh sống nên tiến hành dọn nhà. Trong lúc đang quét dọn vườn, bà bất ngờ bị rắn chàm quạp ẩn dưới lớp lá bạch đàn lao ra cắn vào cẳng chân trái.

Sau khi bị rắn cắn, bà được người thân đưa đến nhà thầy lang ở địa phương để nặn độc, đắp lá thuốc nam. Tuy nhiên, sau đó chân sưng lớn, đau nhức, bệnh nhân rơi vào lơ mơ nên được chuyển đến bệnh viện địa phương. Sau thủ thuật sơ cứu ban đầu, người bệnh nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, cẳng chân trái có vết cắn sưng đau, nổi bóng nước. Các kết quả xét nghiệm cho thấy bà H. bị biến chứng rối loạn đông máu. Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp, sử dụng kháng sinh kết hợp truyền máu bổ sung. Sau 2 ngày được chăm sóc tích cực, người bệnh đã qua nguy hiểm.

Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, tai nạn bị rắn cắn thường gia tăng ở thời điểm mùa mưa. Rất nhiều trường hợp sau khi bị rắn độc tấn công tìm đến thầy lang đắp thuốc, khi rơi vào tình trạng rối loạn đông máu, trụy tim mạch, xuất huyết não, suy thận mới nhập viện gây nhiều khó khăn cho điều trị.

Để tránh những nguy hiểm do nọc độc của rắn gây ra, bác sĩ khuyến cáo, hiện đã có nhiều loại huyết thanh kháng nọc độc của rắn trong đó có rắn chàm quạp. Sau khi bị rắn độc cắn, nạn nhân hoặc người thân hỗ trợ cần bình tĩnh dùng xà phòng rửa vết thương dưới vòi nước sạch, băng ép, cố định vùng bị rắn cắn rồi nhanh chóng đưa vào bệnh viện để được điều trị giải độc kịp thời.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm