1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đắp lá cây chữa gãy tay, bé gái 5 tuổi bị viêm tuỷ xương trầm trọng

(Dân trí) - Bị gãy tay trái do trèo cửa sổ chơi đùa, thay vì đưa con đến bệnh viện, gia đình bé N.V.M (5 tuổi, Hoà Bình) lại đưa con đến ông lang trong vùng để đắp lá. Đến khi tay bé sưng nề, tấy đỏ, rò dịch gia đình mới đưa đến bệnh viện, bác sĩ xác định bị viêm tuỷ xương nặng nề.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Chỉnh hình nhi (BV Nhi Trung ương) cho biết, bé gái 5 tuổi chỉ được đưa đến viện sau 1 tháng đắp lá ông lang vườn để chữa gãy tay.

Tại thời điểm nhập viện, bé M. được xác định viêm tủy xương cấp tính, rất nguy hiểm. Toàn bộ vùng cẳng tay cháu M có rò mủ, vùng cẳng tay trái sưng nề. Trên phim chụp X-quang thấy có hình ảnh viêm xương trụ, có 1 đoạn xương ở vị trí 1/3 giữa trên đã hoại tử, vùng khuỷu tay hạn chế gấp duỗi, các ngón tay co gấp, không duỗi được các bác sĩ chẩn đoán viêm xương tủy rất nặng phải mổ cấp cứu.

Vết thương ứ mủ, chỉ trực vỡ ra sau 1 tháng đắp lá. Ảnh: BS cung cấp.
Vết thương ứ mủ, chỉ trực vỡ ra sau 1 tháng đắp lá. Ảnh: BS cung cấp.

Trước đó khoảng 1 tháng, tai nạn xảy ra khi bé M. đang chơi đùa, trèo cửa sổ bị ngã xuống đất và gãy tay trái. Thay vì đưa con đến bệnh viện, người nhà nghe lời hàng xóm đưa con đến một ông lang trong vùng để đắp lá, với hi vọng liền vết xương gãy mà không phải đến bệnh viện.

Ròng rã 1 tháng liền đắp lá, bé M. càng lúc càng thấy khó chịu, khó cử động cánh tay trái rồi xuất hiện tình trạng sưng nề, căng bóng, tấy đỏ, rò dịch ngay vùng tay bó. Lúc này, gia đình vội vàng đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám hôm 10/7 và phải tiến hành mổ cấp cứu ngay trong đêm.

BS Tuấn Anh cho biết, viêm xương tủy xương cấp tính là nhiễm khuẩn huyết viêm tất cả các thành phần của xương do vi khuẩn sinh mủ không đặc hiệu gây nên. Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được chuyển lên khoa Chỉnh hình nhi và được chỉ định phẫu thuật ngay.

Thực hiện ca phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy được ổ mủ đọng trong vùng tổn thương. Vết thương lâu ngày còn gây nên tình trạng hoại tử xương, buộc các bác sĩ phải phẫu thuật lấy bỏ đoạn xương trụ hoại tử dài 6cm ở 1/3 giữa trên cẳng tay, bơm rửa ổ viêm xương đồng thời đặt dẫn lưu và bất động cẳng tay bằng nẹp bột. Sau phẫu thuật, cháu M được chỉ định dùng kháng sinh liều cao theo kháng sinh đồ. Hiện tại bé M vẫn đang được điều trị tại khoa Chỉnh hình nhi.

Nguy hiểm đắp lá chữa vết thương

Qua ca bệnh này, các bác sĩ cảnh báo nguy cơ nguy hiểm khi dùng lá cây đắp chữa các vết thương. Thực tế, BV Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều ca bệnh đắp các loại lá cây để xử lý vết thương nhưng vết thương không đỡ mà càng trở nên trầm trọng, chảy mủ, nhiễm trùng và trong trường hợp này gây viêm tủy xương cho bệnh nhi.

"Các bác sĩ vẫn tiếp nhận các trường hợp gia đình chữa bệnh bằng cách đắp lá thuốc vào vết thương theo hướng dẫn của một số thầy lang, gây hậu quả đáng tiếc. Điều này có thể khiến vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra viêm mủ màng tim, áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí…tử vong", BS Tuấn Anh cảnh báo.

BS Tuấn Anh giải thích thêm, khi mới bị tổn thương, vết thương thường sưng và nóng, gây cảm giác khó chịu. Việc đắp lá cây, cao dán… lên vùng bị thương có thể khiến bệnh nhân tạm thời dịu cơn đau nhưng thực chất các tác nhân này đều có tính nóng, khi đắp lên vết thương sẽ gây xơ hóa tổ chức sâu bên trong, một thời gian sẽ dẫn tới hoại tử gân, cơ, nặng hơn là hoại tử xương. Đây là điều rất nguy hiểm mà không phải gia đình nào cũng ý thức được”, bác sĩ Tuấn Anh giải thích.

Vì thế, nếu không may có các chấn thương, tổn thương, người bệnh không nên tự ý bó vết thương bằng thuốc lá, bằng các loại cây cho trẻ, tốn kém mà không hiệu quả, cần đưa con đến các cơ sở y tế đáng tin cậy để được cấp cứu và xử lý kịp thời.

Hồng Hải