Đào tạo, sử dụng dược sĩ ngành y “tự chặt chân mình”
(Dân trí) - Theo quy định, dược sĩ mới tốt nghiệp phải có 5 năm thực hành mới được cấp chứng chỉ hành nghề, và tư vấn thuốc cho người bệnh. Tình trạng trên đã đẩy dược sĩ đi làm trình dược viên, nhiều nhà thuốc muốn hoạt động đã đi thuê bằng để đối phó.
Đó là phân tích của PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội đồng thời là Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật dược sửa đổi diễn ra ngày 24/12.
Theo PGS Phong Lan, hiện nay ngành y tế đang có sự khập khiễng giữa đào tạo và sử dụng dược sĩ, quá trình đào tạo thì luôn cố gắng tập trung nâng cao chất lượng, người tốt nghiệp phải đạt được trình độ dược sĩ đa khoa thực hành, nhưng khi sử dụng thì trở nên lãng phí nhận lực.
“Là người giảng dạy tại đại học những năm qua, tôi thấy nghề đầu tiên những em sinh viên ra trường lựa chọn là đi làm trình dược, mức lương cao hơn nhiều so với việc đi làm trong nhà nước dù là vị trí quản lý, sản xuất hay môi trường khác. Không chỉ có các dược sĩ mà cả các bác sĩ khi mới ra trường chưa tìm được việc cũng đi làm trình dược. Các hãng dược thì chạy đua để tuyển dụng những bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp loại giỏi, loại khá với mức lương rất cao.”
Ở các nước khác, người làm trình dược chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học, bởi thực tế nghề này chẳng cần phải đòi hỏi cao siêu về trình độ, đó chỉ đơn giản là hình thức tiếp thị, mua bán. Nhưng nghịch lý đang xảy ra tại Việt Nam khi trên thực tế hầu hết dược sĩ được đào tạo bài bản sau khi tốt nghiệp lại đi làm trình dược. Kiến thức chuyên môn được trau dồi sau nhiều năm học tập vất vả nhưng lại không được dùng đến vì nhiệm vụ trình dược viên chỉ đơn giản là đưa thông tin thuốc đến cho những người có chuyên môn là dược sĩ, bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viện.
Vấn đề trên, Bộ Y tế và đã có sửa đổi trong Thông tư quảng cáo thuốc của Luật dược. Theo đó, người muốn làm nghề trình dược không nhất thiết phải học đại học mà chỉ cần trình độ dược sĩ trung học. Nhưng học viên lại phải trải qua khung chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, cuối cùng phương án trên không khả thi khiến thực tế diễn ra vẫn đi theo lối mòn. Trong khi ngành y đang thiếu nhân lực thì những doanh nghiệp dược với mức lương cao đang hút toàn bộ số lượng dược sĩ, bác sĩ được đào tạo tốt. Những đơn vị nhỏ như công ty TNHH thì lại tuyển nhân sự một cách trái pháp luật, khi cho những người không bằng cấp gì về dược hoặc người học trái ngành, trái nghề đi làm trình dược.
Quy định hành nghề đối với dược sĩ theo dự thảo Luật dược sửa đổi cũng bộc lộ nhiều bất cập. Theo đó, dược sĩ lâm sàng tại bệnh viện, dược sĩ tư vấn tại nhà thuốc đều phải có chứng chỉ hành nghề nhưng để có chứng chỉ họ phải trải qua 5 năm thực hành. Đứng về mặt chuyên môn, đây là yêu cầu để nâng cao chất lượng dược sĩ. Tuy nhiên, chắc chắn trong 5 năm hoặc 10 năm đầu khi thực hiện luật, sẽ không có dược sĩ nào đi làm dược sĩ lâm sàng.
Trong khi kiến thức được đào tạo tại các trường chưa đủ đáp ứng nhu cầu công việc thì môi trường làm việc tại bệnh viện đòi hỏi trình độ cao, người hành nghề phải đầu tư rất nhiều cho chuyên môn từ đào tạo liên tục đến tự đào tạo. Mặt khác, nhiệm vụ của dược lâm sàng gắn liền với các bệnh viện, nếu làm đúng quy định thì ngoài giờ hành chính dược sĩ sẽ không mở được nhà thuốc, dẫn đến mất một khoản thu nhập.
Dự thảo luật dược sửa đổi quy định, chỉ những dược sĩ đã được cấp chứng chỉ mới được quyền tư vấn tại nhà thuốc. Về vấn đề trên, PGS Phong Lan khẳng định: “Đây là điều hết sức vô lý, nếu dược sĩ tư vấn tại nhà thuốc cũng cần có chứng chỉ hành nghề thì người dược sĩ mới ra trường có được hoạt động tại nhà thuốc hay không? Trong khi tình trạng dược sĩ cho nhà thuốc thuê bằng đang diễn ra tràn lan thì thà có dược sĩ mới ra trường tư vấn cho người bệnh còn hơn là để dược tá và dược trung tư vấn.
Quy định tréo ngoe của Luật dược sẽ tiếp tục đẩy dược sĩ mới ra trường đi làm trình dược cho các công ty chứ không vào nhà thuốc. Chỉ có một số ít làm việc tại các nhà thuốc bệnh viện và các công ty triển khai nhà thuốc chuỗi, bởi tại đây đảm bảo đủ các điều kiện thực hành theo quy định.
Theo PGS Phong Lan, vấn đề dược sĩ cho thuê bằng đang là câu chuyện ai cũng biết nhưng không thể xử lý vì luật thiếu chặt chẽ. Việc cho thuê bằng đã được công khai quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Mỗi tháng cho thuê bằng, dược sĩ chẳng phải làm gì cũng bỏ túi từ 7 đến 8 triệu đồng. Nhiều người gửi hồ sơ xin mở nhà thuốc tại TPHCM nhưng đang sinh sống, thâm chí là làm viên chức, công chức ở tỉnh khác.
“Chúng tôi biết chắc chắn đây là những trường hợp cho thuê bằng nên đã làm công văn gửi Bộ Y tế xin ý kiến thì được trả lời, luật không cấm, cứ cấp, nhưng tăng cường kiểm tra, thanh tra. Phương án trên chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”. Chúng tôi chỉ còn biết đối phó bằng cách cho tất cả những trường hợp trên vào danh sách đen để thanh tra, xử phạt liên tục đến khi nào họ đóng phạt mệt thì thôi.”
Để hạn chế tối đa tình trạng dược sĩ cho thuê bằng, và các vấn đề liên quan đến ngành dược, PGS Phong Lan đề nghị Bộ Y tế nên có quy định cụ thể trong luật, dược sĩ ở địa phương nào thì chỉ được mở nhà thuốc ở địa phương đó. Yêu cầu các nhà thuốc cung cấp danh sách dược sĩ để người dân cùng cơ quan quản lý thực hiện công tác giám sát. Các cơ sở đào tạo phải công khai danh sách những người đã tốt nghiệp để thuận tiện cho việc rà soát, phát hiện bằng giả. Luật dược sửa đổi không nên quá cứng nhắc mà cần phải có những quy định sát sườn với thực tế để tránh tình trạng ngành y tế “tự chặt vào chân mình” như những gì đang diễn ra.
Vân Sơn (lược ghi)