Đánh giết con, tự tử vì trầm cảm
Một phụ nữ mắc bệnh trầm cảm ở huyện Quốc Oai, Hà Nội đã sát hại con trai năm tháng tuổi rồi nhảy xuống giếng trưa mùng 3 Tết. “Gần 20 năm, tôi chứng kiến nhiều câu chuyện buồn liên quan tới người trầm cảm. Nếu được người thân luôn để mắt quan tâm, có lẽ sẽ không có những câu chuyện đau lòng xảy ra” - TS-BS Đinh Vinh Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh BV Nhân dân 115 (TP.HCM), chia sẻ.
Tự tử do bị phụ tình
NTTH là một cô gái năng động 26 tuổi, làm việc cho một công ty liên doanh ở tỉnh Bình Dương. H. và bạn trai cùng công ty nảy sinh tình yêu. Đùng một cái chuyện tình yêu của H. và bạn trai bị cha mẹ bạn trai ngăn cấm, buộc anh đến với một cô gái gia đình môn đăng hộ đối. “Bạn trai H. nghe lời cha mẹ. Bị hụt hẫng và quá đau khổ, H. luôn rơi vào trạng thái buồn bã, u sầu, không nói không cười... Từ một cô gái năng động, H. sống khép kín, tránh mọi giao tiếp. Cuối cùng H. xin nghỉ việc” - TS-BS Quang nói.
Câu chuyện của H. được người nhà thuật lại cho bác sĩ trong lần đưa H. đi khám bệnh. Người nhà cho biết H. thường đứng trên lan can tầng một và nhìn xung quanh bằng ánh mắt u buồn. “Tôi giải thích với người nhà rằng H. đã bị trầm cảm và trong đầu luôn có ý định tự tử. Do vậy, gia đình hãy luôn trông chừng. Vậy mà lợi dụng lúc người nhà sơ ý, H. đã nhảy lầu tự tử. May mắn do khoảng cách không cao, phía dưới lại có đống cát nhỏ nên H. chỉ bị xây xát nhẹ” - BS Quang kể.
Kinh doanh thất bại, đánh con tím người
Vị bác sĩ trên cũng từng tiếp xúc với ông VVT (40 tuổi, ở TP.HCM). Bệnh nhân này luôn có gương mặt đờ đẫn, mệt mỏi vì mất ngủ. Không chỉ vậy, ông T. luôn tỏ vẻ bồn chồn, lo lắng.
Trước đó, ông T. vốn là người kinh doanh nhà đất, hoạt bát, vui vẻ, nhanh nhẹn. Do công việc làm ăn thuận lợi nên đời sống kinh tế rất khá. Cách đây không lâu, ông T. gom góp tiền bạc và mượn thêm bạn bè để hùn hạp trong một phi vụ lớn với hy vọng tiền lời kiếm được đủ tậu xe Camry đời mới.
“Do việc làm ăn diễn ra không như dự kiến nên đất bán không được, trong khi tiền mượn bạn bè đã tới hạn trả nên ông T. luôn mất ngủ, không tập trung bất kỳ việc gì. Không chỉ vậy, ông T. còn thường quát tháo mọi người và dễ kích động. Trước đây ông T. rất cưng chiều con trai út bốn tuổi nhưng giờ luôn hằn học. Trong lần cả nhà đi vắng, ông T. đánh đứa bé đến tím người. Tôi xác định ông T. bị trầm cảm nặng nên khuyên gia đình đừng để ông rơi vào trạng thái kích động. Bên cạnh đó, khi con trai út ở nhà thì phải luôn có người bên cạnh để đề phòng bị ông T. đánh. Tuy nhiên, đôi lúc vì bận bịu nên gia đình phải để đứa trẻ ở nhà với ông T. Những lúc như thế đứa trẻ đều bị ông T. đánh. Tội nghiệp lắm!” - BS Quang cho biết.
Nữ dễ bị trầm cảm hơn nam
“Trầm cảm là một rối loạn về tâm thần. Nghiên cứu cho thấy khoảng 3% dân số thế giới bị trầm cảm và con số này có chiều hướng gia tăng do ảnh hưởng môi trường sống. Đặc biệt, nữ dễ bị trầm cảm hơn nam do ý chí và nghị lực đa phần không mạnh mẽ” - TS-BS Quang nhận định.
Theo BS Quang, có hai yếu tố dẫn đến nguy cơ trầm cảm: Tác động môi trường bên ngoài và ảnh hưởng yếu tố bên trong. Tác động môi trường bên ngoài như bị stress, sang chấn tâm lý khi gia đình có người qua đời, tình cảm gặp nhiều ngang trái hoặc công ăn việc làm không thuận buồm xuôi gió, mất việc… Ảnh hưởng yếu tố bên trong có nghĩa là cha mẹ ruột bị trầm cảm thì người con có nguy cơ dễ bị trầm cảm hơn những người khác do thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh, mất cân bằng nội tiết tố...
Người bị trầm cảm luôn trong trạng thái mệt mỏi, buồn bã, chán nản, không còn hứng thú trong các công việc, không muốn tiếp xúc người khác. Ngược lại cũng có người bị kích động, bồn chồn, lo lắng. “Làm việc không tập trung, nhớ trước quên sau, thường xuyên mất ngủ nhưng có trường hợp lại ngủ quá nhiều; giảm hoặc đôi khi tăng cân không liên quan đến chế độ ăn uống; có cảm giác vô dụng, tội lỗi, nghĩ đến cái chết và có ý định tự tử… cũng là những biểu hiện của người trầm cảm” - BS Quang lưu ý.
Khi phát hiện người thân có những biểu hiện mệt mỏi, chán nản, không tập trung..., gia đình cần nhanh chóng đưa đến các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, thần kinh.
Các bác sĩ tùy vào mức độ nặng nhẹ sẽ điều trị phù hợp. Nếu nhẹ thì bệnh nhân được hướng dẫn thay đổi lối sống, tập thể dục, đi du lịch, tâm lý trị liệu, thường xuyên giao tiếp với mọi người. Trường hợp nặng phải được dùng thêm thuốc hỗ trợ.
TS-BS Đinh Vinh Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh
BV Nhân dân 115 (TP.HCM)
Năm 2016, PGS-TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm khoa Tâm thần, BV Quân y 103, cho biết mỗi năm trung bình số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến 36.000-40.000 người. Hiện có khoảng 30% dân số bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm tới 15%-25%.
Theo Trần Ngọc
Pháp luật TPHCM