1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đáng sợ như ký sinh trùng chó, mèo

Từ một người đàn ông khỏe mạnh, là trụ cột gia đình, bỗng nhiên anh Văn Viết Điền (SN 1970, ngụ tổ 4, ấp 6, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành - Bình Phước) phát căn bệnh lạ: người bị lột da như rắn và toàn thân đem sạm.

Ngày 25/9, chị Ung Thị Ngọc Hạnh (SN 1975, vợ anh Điền) cho biết Bộ môn Ký sinh vi nấm Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - TPHCM vừa gửi kết quả xét nghiệm máu của chồng chị và kết luận anh Điền bị nhiễm giun chó, mèo, giun lươn và virus amid.

 

Mỗi nơi chẩn đoán mỗi kiểu

 

Chị Hạnh buồn bã kể: “Khoảng tháng 7/2011, chân của chồng tôi bỗng nhiên sưng to. Do nhà ở xa bệnh viện nên anh Điền chỉ đến một phòng khám tư gần nơi cư ngụ để chích thuốc và mua thuốc về uống. Sau đó vài ngày, chân của anh Điền không bớt sưng mà anh còn bị ho, sốt cao. Ngay sau đó, gia đình đưa anh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM điều trị được 16 ngày rồi xuất viện. Tuy nhiên, chỉ ở nhà được khoảng 1 tuần, anh Điền phải trở lại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để điều trị. Tại đây, bác sĩ phát hiện anh bị vỡ hồng huyết cầu nên tiến hành truyền tiểu cầu rồi chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy xét nghiệm. Kết quả, anh Điền bị sốt xuất huyết (Dengue) và phải nằm điều trị thêm 15 ngày”.

 

Thời điểm này, da trên người anh Điền bắt đầu bị bong. Được một số người hướng dẫn, chị Hạnh tiếp tục đưa chồng đến Bệnh viện Da liễu TPHCM để điều trị gần 1 tháng. Lúc chuẩn bị xuất viện, anh Điền lại phát sốt và được đề nghị chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng do không còn tiền nên chị Hạnh buộc lòng phải đưa chồng về nhà. Được một thời gian, anh Điền tiếp tục bị dịch tràn phổi và phải quay lại Bệnh viện Chợ Rẫy để mổ, điều trị hơn 2 tháng.

 

Anh Điền đang nằm tại nhà vì không còn tiền để vào bệnh viện chữa bệnh. Ảnh: T.T

Anh Điền đang nằm tại nhà vì không còn tiền để vào bệnh viện chữa bệnh. Ảnh: T.T

 

“Tại các bệnh viện trên, mỗi nơi đều đưa ra chẩn đoán khác nhau. Nơi thì bảo chồng tôi bị dị ứng thuốc, nơi lại cho rằng bị nhiễm trùng máu, mủ màng phổi, hội chứng Steven Johnson, sốt xuất huyết…, không biết đâu mà lần” - Cầm xấp giấy chẩn đoán của các bệnh viện, chị Hạnh rầu rĩ.

 

Ký sinh trùng đã ăn vào phổi!

 

“Trong lúc nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị vết mổ, da trên toàn thân của chồng tôi vẫn tiếp tục bong tróc hết lớp này đến lớp khác, giống như loài rắn lột da. Toàn thân anh loang lổ, đen sạm, 2 tai nặng khó nghe, mắt bị mờ. Sau khi xuất viện, tôi lại đưa chồng vào Bệnh viện tư nhân Thánh Tâm ở Bình Phước để tiếp tục điều trị thêm 2 tuần thì hết tiền vì không còn ai dám cho vay thêm nên buộc lòng xin xuất viện. Lúc đó vào tháng 4/2012”. Đưa tay quệt nước mắt, chị Hạnh nói.

 

Biết được hoàn cảnh gia đình chị Hạnh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã cử cán bộ tới tận nhà để lấy mẫu máu của anh Điền đem về xét nghiệm và cho kết quả nhiễm ký sinh trùng giun chó, mèo, lươn và virus amid. Khi được hỏi có đau không, anh Điền chỉ còn biết ú ớ với giọng rất khó nghe. Tóc của anh Điền cũng rụng sạch; tất cả móng tay, móng chân đều hư hết và chỉ nằm một chỗ. Theo chị Hạnh, sức khỏe anh Điền bị giảm sút nghiêm trọng, lúc trước anh cân nặng 64kg, nay chỉ còn khoảng 34kg và bác sĩ cho biết ký sinh trùng đã ăn vào phổi.

 

Qua đường ăn uống hoặc tiếp xúc qua da

 

Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, bệnh do nhiễm ký sinh trùng chủ yếu qua đường ăn uống hoặc tiếp xúc qua da. Ở đường ăn uống, việc lây nhiễm gặp phải chủ yếu khi con người sử dụng các loại thực phẩm sống, chưa qua chế biến hoặc chế biến chưa kỹ, nấu chưa chín. Ở đường tiếp xúc qua da, ký sinh trùng có thể lây nhiễm khi con người tiếp xúc với những bề mặt có chứa giun, sán… trong quá trình lao động, sinh hoạt; ký sinh trùng sẽ đi vào mạch máu rồi tấn công các cơ quan nội tạng.

 

Tác hại của bệnh do nhiễm ký sinh trùng phụ thuộc nhiều vào cơ quan mà ký sinh trùng xâm nhập, có thể chia ra làm 3 mức độ khác nhau. Nặng nhất là ký sinh trùng xâm nhập hệ thần kinh trung ương như não, màng não, gây tác động trực tiếp, có tỉ lệ tử vong cao. Mức độ thứ 2 là ký sinh trùng xâm nhập  cơ quan nội tạng, hay gặp nhất là gan, gây ra áp xe, kế đến là phổi gây áp xe phổi, tổn thương màng phổi… Dạng bệnh này ít nguy cấp nhưng có thể diễn tiến nặng. Mức độ thứ 3 là ký sinh trùng gây tổn thương ngoài da. Trường hợp này ít khi gây bệnh quá nặng nhưng thường kéo dài, gây khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh .

 

Theo Tân Tiến – Anh Thư

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm