1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đang mắc ung thư, bé gái 14 tuổi thêm nguy kịch vì thủy đậu “tấn công”

(Dân trí) - Đang trong giai đoạn điều trị duy trì sau nhiều đợt hóa chất trị ung thư, bé P.T.T (14 tuổi, Thanh Miện, Hải Dương) bị thủy đậu tấn công, bội nhiễm gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, suy đa tạng.

BV Bạch Mai cho biết, hiện bệnh nhi đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch do mắc thủy đậu trên nền bệnh nhân bị u lympho không Hodkin đã điều trị hóa chất. Bệnh nhân đang được điều trị tích cực nhất.

Bệnh nhi bị bội nhiễm viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết do biến chứng của thủy đậu.
Bệnh nhi bị bội nhiễm viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết do biến chứng của thủy đậu.

Theo các bác sĩ, thủy đậu vốn khá lành tính với trẻ em, nhưng trên một số cơ địa đặc biệt, như trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch… thủy đậu có thể gây nên những hậu quả nguy hiểm do để lại biến chứng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo đang sắp vào mùa thủy đậu. Bởi căn bệnh này tăng cao nhất từ tháng 2 – tháng 5, trong đó, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 3. Trong năm 2017 cả nước ghi nhận gần 40.000 ca thủy đậu.

“Tuy số mắc nhiều, dễ lây lan nhưng thủy đậu là một bệnh lành tính nên vắc xin chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhưng chúng tôi khuyến cáo các gia đình nên cho con đi tiêm vắc xin thủy đậu, để phòng mắc căn bệnh dễ lây lan này”, TS Phu nói.

Cùng quan điểm này, TS.BS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, thủy đậu là căn bệnh lây qua đường hô hấp nên rất dễ lây thành dịch, thường bùng phát vào mùa đông xuân, khi tiết trời ấm lên. Những ai chưa từng mắc bệnh, chưa tiêm phòng đều có nguy cơ mắc bệnh và nên được bảo vệ bằng vắc xin.

Bởi khi bị thủy đậu, thời gian từ khi khởi phát đến khi bình phục mất từ 7 – 10 ngày. Từng đó thời gian phải nghỉ làm, chăm trẻ, rồi với những ca có biến chứng phải nhập viện chi phí lớn hơn rất nhiều so với tiêm chủng.

Chưa kể, tình trạng viêm da bội nhiễm do thủy đậu rất dễ xảy ra nếu chăm sóc trẻ không đúng cách, để lại các sẹo lõm trên da. Thủy đậu cũng có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm não, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê…

Đặc biệt ở những người có miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, những bệnh nhân khi nhiễm thủy đậu nguy cơ gây biến chứng càng cao.

TS Huy đặc biệt lưu ý nguy cơ thai phụ mắc thủy đậu. Mắc thủy đậu ở những tuần đầu thai kỳ đến 20 tuần, do hệ miễn dịch suy giảm nên nếu mắc thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi (dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ…). Trẻ sơ sinh bị thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong lên đến 30%.

Lưu ý chăm sóc khi bị thủy đậu

TS Huy lưu ý, khi bị thủy đậu, bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ để bôi thuốc gì phù hợp. Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp nhất, biểu hiện chủ yếu là nhiễm trùng da. Khi lên những nốt đỏ, trẻ hay bị ngứa thường gãi làm nốt đậu bị vỡ, trầy xước da khiến vi trùng bên ngoài dễ dàng xâm nhập làm lên mủ và sẽ để lại sẹo lõm. Nặng hơn, vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não… rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị tử vong.

Vì thế, hãy giữ vệ sinh sạch cho trẻ, cắt móng tay để trẻ không gãi trợt nốt thủy đậu. Khi tắm, vệ sinh cho trẻ bằng khăn mềm, không gây vỡ trợt nốt phỏng vì nếu nước trong nốt đậu chảy đến đâu là mụn đến đấy, chỉ trong vòng 1 – 2 ngày là lên khắp cả người.

Sau khi lau rửa cho trẻ, lại dùng khăn xô khô thấm khô người cho trẻ, rồi mặc cho trẻ quần áo rộng rãi, mềm, thoáng mát. Nếu được điều trị đúng cách và giữ vệ sinh sạch sẽ, chỉ sau 7 - 10 ngày, nốt đậu sẽ xẹp xuống, khô và bong vảy rồi vết thâm sẽ hết sau một thời gian, không để lại sẹo.

Cũng cần lưu ý, thủy đậu dễ lây qua đường hô hấp và lây do tiếp xúc với mụn nước hoặc các dụng cụ sinh hoạt có chứa siêu vi trùng này. Muốn điều trị nhanh chóng, đầu tiên phải cách ly người bệnh. Dù chỉ xuất hiện vài ba nốt đậu cũng phải cách ly với tất cả các trẻ khác, kể cả người lớn chưa bị bệnh này, nếu không nguy cơ lây lan rất nhanh.

Hơn nữa, thường mỗi người chỉ bị thủy đậu một lần và có miễn dịch dài, nhưng nếu sức đề kháng yếu có thể bị tái phát khi có dịch, vì vậy, dù con bạn đã từng bị thủy đậu, cũng nên lưu ý không cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị để tránh nguy cơ tái phát.

Cần vệ sinh phòng ốc, giường chiếu, ga đệm sạch sẽ. Cho trẻ nằm trong phòng kín gió nhưng không được ẩm thấp và cần nhớ luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhắc trẻ không được gãi vỡ nốt đậu.

Khi bị vỡ, trợt nhiều nốt đậu, cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được điều trị. Vì tình trạng vỡ mụn nhiều có thể làm cho trẻ bị mất nước, nhiễm trùng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì trên thực tế, đã có nhiều trẻ bị trầy xước da nhiều đã bị mất nước, phải có chế độ điều trị đặc biệt, rửa hàng ngày, truyền, tiêm thuốc chống nhiễm khuẩn.

Hồng Hải