Đang ăn xúc xích, bé trai bị chó tấn công cướp đồ ăn, cắn vùng đầu mặt
(Dân trí) - Hơn 1 tháng qua, liên tiếp 3 bệnh nhi bị chó tấn công gây thương tích nghiêm trọng. Bác sĩ cảnh báo, bất kỳ chó nuôi trong gia đình hoặc chó nhà hàng xóm đều có thể trở thành hiểm họa cho con trẻ.
Chó nuôi chủ động tấn công người
Ngày 16/6, BS Nguyễn Minh Hằng, khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết khoảng 1 tháng qua, tại đây đã tiếp nhận 3 trẻ bị thương tích rất nặng vì bị chó cắn. Trường hợp thứ nhất nhập viện lúc 15 giờ chiều, ngày 14/5 là bé trai L.N.D. (17 tháng tuổi, ngụ Tiền Giang). Khi vào cấp cứu, bé trong tình trạng hoảng loạn, băng gần kín vùng đầu mặt, bác sĩ ghi nhận trên mặt trẻ có vết thương rất lớn. Môi gần như đứt lìa ra ngoài chỉ còn dính chút da, lộ răng, lộ xương hàm.
Khai thác bệnh sử từ phía gia đình ghi nhận, 11 giờ trưa cùng ngày, bé đang ăn xúc xích, bị con chó rất to của nhà hàng xóm cướp đồ ăn, cắn ngoạm vào vùng đầu mặt. Bệnh nhi được sơ cứu tại bệnh viện địa phương sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Sau khi phẫu thuật cấp cứu khâu lại vết thương trên mặt cho bệnh nhi, các bác sĩ tiếp tục kiểm tra thì phát hiện một vết thương khác trên đầu rất sâu, lộ xương sọ, máu chảy rỉ rả. Ê kíp phẫu thuật đã phải cạo tóc bệnh nhi, bộc lộ vết thương vùng đầu, vệ sinh vết thương chống nhiễm trùng, khâu vết thương.
Bệnh nhi thứ 2 là bé Đ.Q.V. (18 tháng tuổi, ngụ tại Bình Dương) nhập viện ngày 16/5 trong tình trạng vết thương lớn trên vùng mặt. Người nhà bệnh nhi cho biết, trước đó bé đi vào nhà vô tình vấp phải con chó đang nằm ngủ khiến nó giật mình chồm lên quật bé xuống cắn vào vùng mặt. Vết thương do chó cắn gây ra dài 15cm sâu 1cm. Các bác sĩ đã phải điều trị kháng sinh, cắt lọc hoại tử khâu lại vết thương vùng mặt cho bệnh nhi.
Trường hợp thứ 3 là bé gái L.N.G.H. (19 tháng tuổi, ngụ tại Tây Ninh) nhập viện ngày 10/6 trong tình trạng mặt bị băng kín. Lúc 11 giờ cùng ngày trước khi nhập viện, khi con chó nhà đang ăn, bé đi đến gần thì bị con chó nhào tới tấn công cắn xé nát vùng mặt. Bệnh nhi bị vết thương rất lớn rách toạc vùng má bên phải khiến da mặt lật về phía trước.
Sau khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh nhi được phẫu thuật cấp cứu trong đêm. Vết thương của bé quá rộng, tổn thương sâu, kéo dài từ gần mang tai đến miệng. Các bác sĩ đã phải sử dụng hơn 5m chỉ y khoa để khâu lại vết thương cho bệnh nhi.
Hạn chế nuôi chó nếu không cần thiết
BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt: “Cả 3 ca bệnh trên đều xảy ra trên trẻ nhỏ, vùng đầu mặt ngang tầm với những cú táp, cắn xé của chó nên hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Mặt khác, tính chất gây nên tình huống trẻ bị chó cắn cho thấy, những con chó đã chủ động tấn công trẻ chứ không phải trẻ chọc phá khiến cho giận dữ tấn công. Điều đó cho thấy sự nghiêm trọng từ tai nạn do chó cắn gây ra, đừng nghĩ rằng những con chó – thú cưng nuôi trong nhà là an toàn mà không cảnh giác”.
Theo BS Đẩu, trên gương mặt tập trung hệ thần kinh đan chằng chịt. Vết thương do chó cắn thường sâu gây đứt dây thần kinh, rách cơ mặt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần. Sau lành thương để lại di chứng miệng không cân đối, mắt không nhắm được… Những trẻ bị chó cắn, sẽ để lại những vấn đề nghiêm trọng trong quá trình phát triển về sau cả về chức năng của thần kinh biểu cảm trên gương mặt và tính thẩm mỹ. Với kinh nghiệm phẫu thuật hơn 30 năm BS Đẩu đánh giá, những vết thương do chó cắn thường nham nhở, các can thiệp phẫu thuật không thể trả lại gương mặt tự nhiên cho bệnh nhân.
Để tránh những tai nạn thương tâm do chó gây ra, BS Đẩu khuyến cáo: “Nếu nhà có trẻ em, tốt nhất không nên nuôi chó. Nếu vì lý do nào đó phải nuôi chó cần cách ly chó và trẻ con ra 2 khu vực khác nhau, không cho chó và trẻ tiếp xúc với nhau. Ngoài nguy cơ bị chó cắn, trẻ còn đối mặt các nguy bị dị ứng lông chó, nhiễm sán chó, nhiễm bệnh dại…”
Trường hợp trẻ chẳng may bị chó tấn công, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất. Tuy nhiên, những gia đình ở xa khi trẻ chẳng may bị chó cắn, cần trấn an và đưa bé đến chỗ nước sạch, sử dụng xà bông rửa vết thương dưới vòi nước chảy để loại bỏ mầm bệnh có từ răng chó, móng vuốt của chó, băng vết thương trước khi đưa tới cơ sở y tế sơ cứu. Không nên nóng giận sát hại con chó đã tấn công người mà cần phải giữ sống, cách ly, theo dõi để phát hiện các biểu hiện bệnh dại, giúp bác sĩ có giải pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhi.
Vân Sơn