Đàn ông đi nối "đường ống sinh sản"
Nhiều nam giới thực hiện kế hoạch hóa gia đình bằng biện pháp triệt sản nam với thủ thuật cắt và thắt ống dẫn tinh. Sau đó, vì nhiều lý do, họ lại muốn có con trở lại và việc làm bắt buộc lúc này là nối lại "đường ống sinh sản".
Đàn ông đi... nối
Ngày 2/3 vừa qua, các bác sĩ đơn vị Nam khoa, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) đã thực hiện một ca vi phẫu để nối lại "đường ống sinh sản" cho một bệnh nhân khá đặc biệt.
Đó là ông W.H., 69 tuổi (người Mỹ) hiện đang sinh sống tại Việt Nam. Ông W.H. đã cắt ống dẫn tinh cách nay 28 năm. Nay ông muốn có con với cô vợ người Việt. Dù "đường ống" trông đơn giản, nhưng kỳ thực rất phức tạp, nên ca phẫu thuật kéo dài hơn hai giờ đồng hồ mới kết thúc!
Trước đó một ngày, cũng tại Bệnh viện Bình Dân, các bác sĩ đã phẫu thuật nối lại ống dẫn tinh cho một trường hợp cắt ống dẫn tinh trước đó 9 năm là anh Ng.B.Nh., 39 tuổi.
Bệnh viện Bình Dân cũng đã nối thành công cho một trường hợp 55 tuổi (ở TPHCM) cắt ống dẫn tinh đã 22 năm! Một trường hợp khác là một chàng trai ở Nha Trang (Khánh Hòa). Trước đó do tham gia các hoạt động phong trào ở quê, tuy chưa lập gia đình nhưng anh vẫn xung phong làm gương trong công tác kế hoạch hóa gia đình tại địa phương bằng việc cắt ống dẫn tinh, giờ lập gia đình nên anh muốn nối lại.
Một trường hợp khác khá đặc biệt, anh chồng 36 tuổi (ở Q.2, TPHCM), chỉ vì giận vợ mà âm thầm một mình đi cắt ống dẫn tinh. Chưa đầy một tuần lễ sau, cô vợ biết chuyện "bắt" phải đi nối!
Bác sĩ Nguyễn Thành Như - Trưởng đơn vị Nam khoa (Bệnh viện Bình Dân, TPHCM) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật nối ống dẫn tinh cho 6 trường hợp.
Tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Sinh - Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cũng cho biết, thỉnh thoảng khoa cũng tiếp nhận nối ống dẫn tinh cho phái nam, trong đó, người nước ngoài chiếm tỷ lệ rất cao, nhất là người Hàn Quốc.
Nối bằng cách nào?
Đại đa số trường hợp nam giới sau khi cắt ống dẫn tinh muốn nối trở lại là nhằm mục đích để tiếp tục có con. Một số trường hợp bị đau tức bìu, hay bị rối loạn tâm lý sau khi cắt ống dẫn tinh... nên cũng đi nối lại.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như, hiện nay, nhờ trình độ phẫu thuật đã phát triển nên ngay cả khi bệnh nhân cắt ống dẫn tinh đã khá lâu vẫn có thể nối lại.
Trước đây, nối bằng kỹ thuật thông thường, nay nối bằng vi phẫu thuật, dùng kính để phóng to ống dẫn tinh lên gấp nhiều lần, để việc khâu nối được chính xác. Đây là phẫu thuật phục hồi sự thông dẫn giữa hai ống dẫn tinh. Bình quân mỗi ca nối kéo dài khoảng 2,5 giờ, một ngày sau nối bệnh nhân có thể xuất viện.
Chi phí cho một ca mổ nối ống dẫn tinh khoảng vài triệu đồng...
Theo Thanh Tùng
Tuổi trẻ