1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là mệnh lệnh của nhân dân”

(Dân trí) - Bộ NN&PTNT lấy năm 2015 là năm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là nhiệm vụ quan trọng vì đó là mong đợi của nhân dân. Dư lượng thuốc BVTV trên rau và dư lượng chất kháng sinh trên thịt là 2 vấn đề bức xúc nhất.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp với 63 tỉnh, thành trên cả nước diễn ra chiều 06/02 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát

Bộ NN sẽ quyết tâm thực hiện chủ trương này nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ nét hơn trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Thực sự đây là nhiệm vụ quan trọng vì đó là mong đợi của nhân dân, của mọi người tiêu dùng thực phẩm ở trong nước chúng ta. Hơn nữa, khi chúng ta nâng cao được độ ATTP cũng là giải pháp rất quan trọng để nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản nước ta, cả trong nước lẫn trên thị trường xuất khẩu”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Theo Bộ trưởng Phát, ở Đồng Nai, những quả ổi được xác nhận VietGAP bán giá 5.000đ/quả, trong khi ổi thông thường chỉ có giá 2.000-3.000đ/kg. Ở Đơn Dương, bắp cải được xác nhận VietGAP có gia cao gấp 3 lần so với bắp cải thông thường. Như vậy, ngay cả trong nước, không nhất thiết phải sản xuất nhiều mà sản xuất sản phẩm an toàn thì sẽ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và có lợi cho người sản xuất.

Vừa qua các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng, thực hiện nhiều giải pháp và kiềm chế được những vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013-2014, chúng ta chỉ tập chung nhiều vào vấn đề quản lý vật tư và đã có sự chuyển biến tích cực nhưng sự chuyển biến trong lĩnh vực ATVSTP chưa rõ nét.

“Mặc dù tỷ lệ vi phạm VSATTP theo báo cáo là bằng với các nước có cùng trình độ với chúng ta, nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao. Tất cả chúng ta đều mong muốn có thực phẩm an toàn cho mình và con em chúng ta. Và đây là mệnh lệnh của nhân dân,” Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.

Thực hiện giải pháp đồng bộ, theo hướng mới

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương, các cơ quan liên quan phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, theo hướng mới hơn. Thứ nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn áp dụng các kỹ thuật đảm bảo ATTP trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho nhân dân, gắn với việc tổ chức lại sản xuất để hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và có kiểm soát, có thể truy xuất nguồn gốc.

Rau nhiễm dư lượng thuốc BVTV chủ yếu trên đồng ruộng (Ảnh minh họa)
Rau nhiễm dư lượng thuốc BVTV chủ yếu trên đồng ruộng (Ảnh minh họa)

Cụ thể, về kỹ thuật hướng đến phổ biến cho tất cả những người trồng rau, nuôi heo, nuôi gà, nuôi trồng thủy sản áp dụng các quy trình VietGAP. Theo rà soát, bộ quy trình VietGAP do Bộ NN&PTNT ban hành có phần phức tạp và khó thực hiện. Sắp tới sẽ rà soát lại và giảm chỉ tiêu trong quy trình trồng rau từ 65 chỉ tiêu xuống còn 26 chỉ tiêu theo tiêu chuẩn BASIC GAP (GAP cơ bản) theo kết quả dự án do JICA tài trợ.

“Chúng ta không thể xác nhận VietGAP cho hàng triệu nông dân mà cần tổ chức họ lại thành các tổ hợp tác, các HTX để phổ biến và xác nhận HTX, tổ hợp tác VIETGAP. Và chỉ khi đó, mới có thể kết nối được với các doanh nghiệp ở các đô thị và các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ các sản phẩm do nông dân làm ra. Nếu để nông dân tự sản xuất, tự buôn bán như hiện nay thì sẽ rất khó đảm bảo ATTP.”

Thứ hai, phải tăng cường giám sát nhưng theo phương pháp mới. Theo tư vấn của JICA và một số tổ chức quốc tế, chúng ta nên chuyển từ phương pháp giám sát theo đơn chất sang giám sát đa dư lượng.

Cụ thể, hiện nay chúng ta lấy mẫu thịt và chỉ xét nghiệm với 1 loại dư lượng kháng sinh, nếu không phát hiện thì cho là thịt an toàn. Tuy nhiên, theo phương pháp hiện nay, xét nghiệm một lúc có thể cho kết quả hàng chục thậm chí cao nhất là trên 120 loại dư lượng, thì mẫu thịt đó có thể không nhiễm kháng sinh này mà lại nhiễm một thứ khác. “Trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo cho nhân dân có sản phẩm không bị nhiễm dư lượng nào vượt mức.”

Tập trung giám sát dư lượng trên rau và thịt

Khi gia tăng tần suất giám sát và có cơ sở dữ liệu theo chuỗi thời gian, chúng ta có thể xác định chuỗi sản phẩm từ đâu có nguy cơ cao, nguy cơ ở khâu nào, loại sản phẩm nào để tập trung giám sát hơn. Do vậy, Cục quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản cần có kế hoạch hành động cụ thể, sát với từng địa phương.

“Hiện nay, trọng tâm giám sát là dư lượng thuốc BVTV trên rau, bị nhiễm chủ yếu trên đồng ruộng. Đối với thịt, dư lượng vượt mức cho phép cao nhất đối với thịt là kháng sinh và tiếp đó là vi sinh, đặc biệt là Samonela. Nhiễm kháng sinh xảy ra trong khâu chăn nuôi và nhiễm vi sinh xảy ra trong khâu giết mổ và buôn bán ở chợ. Do vậy, giám sát cần trú trọng vào các khâu đó nhằm không chỉ phát hiện ra các lô hàng bị nhiễm mà cái chính là phát hiện ra đường dây đưa vào thị trường những sản phẩm không đạt yêu cầu, để chấn chỉnh đến tận gốc để không còn lặp lại tình trạng đó.”

Rau nhiễm dư lượng thuốc BVTV chủ yếu trên đồng ruộng (Ảnh minh họa)
Thịt lợn chủ yếu nhiễm dư chất kháng sinh trong khâu chăn nuôi và nhiễm vi sinh trong quá trình giết mổ và tại nơi bày bán (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, cần rà soát lại và làm rõ sự phân công và phối hợp giữa các ngành, các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo đó, hệ thống BVTV có trách nhiệm hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc và giám sát dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm thực vật. Hệ thống thú y hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc và giám sát lò mổ và nơi kinh doanh để đảm bảo không có dư lượng kháng sinh, chất cấm,... trên thịt.

Thời gian qua, lĩnh vực BVTV mới chỉ tập trung vào hướng dẫn sử dụng thuốc và quản lý thuốc còn thú y chủ yếu là kiểm dịch. Do vậy, hai hệ thống này cần tiếp tục làm tốt trách nhiệm của mình nhằm đảm bảo sản phẩm làm ra không vượt dư lượng. Cơ quan đầu mối giám sát vấn đề này, giám sát cả hoạt động của hệ thống thú y và BVTV là hệ thống quản lý chất lượng ở TƯ có Cục quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản, ở địa phương thì 57 tỉnh đã có chi cục quản lý chất lượng. Cần giao trách nhiệm cho hệ thống này và tăng cường năng lượng về cả con người, thiết bị và kinh phí.

Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến để đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các văn bản pháp quy, xây dựng các văn bản pháp quy mới, sửa đổi và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn như VietGAP và sẽ tăng cường giám sát hàng nhập khẩu.

Để đảm bảo ATTP cho hàng Tết, trong những ngày này cần cử cán bộ xuống đồng ruộng, trang trại để hướng dẫn và giám sát việc sử dụng thuốc BVTV và thuốc kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi để đảm bảo sản xuất an toàn; đồng thời tăng cường giám sát lò mổ, nơi buôn bán kinh doanh để giảm đến mức tối thiểu rủi ro mất ATTP cho nhân dân.

Thảo Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm