Đại phẫu trên trái tim bằng đường mổ nhỏ không cần xẻ xương ức
(Dân trí) - Thay vì phải xẻ xương ức mở lồng ngực, các bác sĩ chỉ cần rạch một đường mổ nhỏ giữa 2 xương sườn để thực hiện cuộc đại phẫu trên trái tim. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.
Chiều 15/12, PGS.TS.BS Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại đây vừa thực hiện thành công 2 cuộc mổ tim cho bệnh nhân bằng phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu đạt hiệu quả rất khả thi. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam, trên thế giới mới chỉ có một số quốc gia thực hiện.
Ca bệnh đầu tiên được triển khai kỹ thuật trên là ông Nguyễn Văn T. (SN: 1953, ngụ tại Cần Thơ). Ông cho biết, đã phát hiện bị bệnh tim nhiều năm qua, khoảng 2 năm trở lại đây bệnh diễn tiến nặng khiến ông liên tục đau đớn, dù dùng thuốc điều trị nội khoa định kỳ nhưng không thuyên giảm. "Những cơn đau dồn dập khiến tôi không thở nổi, đi lại cũng không được. Tôi nghĩ mình sắp chết", bệnh nhân chia sẻ.
Trường hợp thứ hai là bà Nguyễn Thị N. (SN: 1954, quê Long An). "Tôi bệnh nhiều năm rồi, mấy tháng qua sức khỏe xuống trông thấy, cầm cây chổi quét nhà cũng không nổi. Đi chữa trị nhiều nơi nhưng bác sĩ đều lắc đầu không dám mổ, họ bảo tôi bệnh nặng sức khỏe suy kiệt có thể chết trên bàn mổ. Nhưng khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đã giúp tôi qua được nguy kịch", bệnh nhân cho biết.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim cho biết: "Qua thăm khám, kiểm tra hình ảnh, chúng tôi xác định cả 2 bệnh nhân đều trong tình trạng rất nặng. Ông Văn T. bị hẹp nặng van động mạch chủ, van động mạch chủ 2 mảnh (bẩm sinh) và phình động mạch chủ ngực lên. Bà Thị N. cũng bị hẹp nặng van động mạch chủ, van động mạch chủ 3 lá, phình động mạch chủ ngực lên".
Nếu không phẫu thuật sớm, bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, cả 2 bệnh nhân đều trong tình trạng nặng, cơ địa suy kiệt nếu bước vào cuộc mổ lớn theo phương pháp mở lồng ngực kinh điển ngoài những nguy cơ có thể xảy ra trong cuộc phẫu thuật thì giai đoạn hậu phẫu cũng là thách thức lớn, bởi khả năng bình phục xương rất hạn chế thêm vào đó là tình trạng nhiễm trùng đe dọa.
Bằng những kiến thức được đào tạo tại các nước có nền y học phát triển và kinh nghiệm đã thực hiện hàng loạt cuộc mổ, sau hội chẩn các bác sĩ quyết định thực hiện cuộc đại phẫu thay van động mạch chủ và phình động mạch chủ ngực lên/nửa quai động mạch chủ bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu.
Thay vì phải xẻ dọc xương ức, mở lồng ngực để can thiệp, bằng những dụng cụ chuyên dụng đã được trang bị, các bác sĩ chỉ rạch một đường nhỏ khoảng 5 đến 6cm ở giữa 2 xương ức bên ngực phải. Bằng những dụng cụ có sự khác biệt nhất định so với mổ kinh điển và các phương tiện hỗ trợ, ê kíp đã tiếp cận với trái tim để thay van động mạch chủ sinh học và thay đoạn động mạch chủ ngực lên bằng ống ghép nhân tạo thành công.
Sau khoảng 1 tháng phẫu thuật, sức khỏe của người bệnh nhanh chóng bình phục. Ngày 15/12 cả 2 bệnh nhân cho biết đã không còn những cơn đau thắt ngực, khó thở, vận động, sinh hoạt thường ngày và ăn uống đều trở lại bình thường. Vị trí vết mổ bên ngực phải dài khoảng 6cm nằm giữa 2 xương ức đã liền da.
Theo PGS Trần Quyết Tiến, phẫu thuật là phương pháp gây tàn phá rất lớn đối với cơ thể nhưng tiến bộ của y học đã mang lại những hiệu quả khả quan. Thực hiện đường mổ ít xâm lấn để thay van tim đã khó, phẫu thuật thay động mạch chủ càng khó hơn vì vừa phải bảo vệ tim vừa phải bảo vệ não. Nhưng các bác sĩ đã đạt được thành công gần như tuyệt đối trên 2 ca bệnh vừa thực hiện khi đạt được mục tiêu giảm đau đớn cho bệnh nhân và điều trị triệt để tình trạng bệnh lý.
Các bác sĩ cho biết, một hạn chế duy nhất của phương pháp trên là khi mở đường mổ khoang ngực phải để tiếp cận phẫu trường thì buộc phải cắt động mạch hố trong bên phải. Tuy nhiên, hạn chế này không ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh và các phẫu thuật về sau (nếu có) vì cơ thể vẫn còn động mạch hố trong bên trái nuôi toàn bộ xương ức.
PGS Trần Quyết Tiến cho rằng, nếu bác sĩ được đào tạo bài bản, dày dạn kinh nghiệm và được trang bị những thiết bị hỗ trợ cần thiết, phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu để can thiệp những bệnh lý tim mạch có thể nhân rộng ở các bệnh viện tuyến tỉnh, từng bước thay thế phương pháp phẫu thuật kinh điển đã bộc lộ nhiều hạn chế.