Đà Nẵng: Nườm nượp đi chích ngừa dịch bệnh
(Dân trí) - Trong gần 1 tháng nay, lượng người đến TT Y tế dự phòng Đà Nẵng tiêm ngừa dịch bệnh tăng đột biến (khoảng 300 lượt người đến tiêm vắc-xin mỗi ngày) và đặc biệt quá tải vào các ngày cuối tuần và chủ yếu là phụ huynh đưa bé đi chích ngừa.
Chiều 31/5, đã hơn 16h mà vẫn chật kín phụ huynh và các bé đứng, ngồi đợi đến lượt vào phòng tiêm vắc-xin xen lẫn với loa gọi tên đến lượt vào tiêm. Các loại vắc-xin tiêm phòng được yêu cầu chủ yếu để phòng ngừa các bệnh rubella, viêm gan, viêm não, quai bị, thủy đậu… “Gần 2 tuần trước, tôi bị dính dịch quai bị. Nhà tôi cũng bị lây. Vợ chồng phải gửi bé về ngoại. Dứt bệnh xong là tôi tranh thủ đưa bé đi tiêm vắc-xin phòng bệnh ngay”, Chị Nguyễn Hà Phương đang đợi đến lượt chích ngừa cho con gái tại Trung tâm y tế dự phòng cho biết.
Người dân đưa con em đến TRung tâm y tế dự phòng ngồi xếp hàng đợi đến lượt tiêm vacxin ngừa dịch bệnh
BS. Nguyễn Tam Lãm, Trưởng phòng Dịch tễ và côn trùng, Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng, xác nhận tình trạng lượng người đến tiêm phòng vắc-xin tăng đột biến trong gần 1 tháng nay. Trung bình mỗi ngày có đến 300 lượt người. Đa phần người dân tranh thủ các giờ cuối buổi làm việc mỗi ngày để đưa bé đến trung tâm, gây ra tình trạng quá tải trước nay hiếm thấy. Đặc biệt các ngày cuối tuần thì người đến tiêm phòng tấp nập suốt buổi.
Tình trạng này là do người dân sốt ruột trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh thủy đậu, quai bị… đang có nguy cơ bùng phát. Theo số liệu thống kê của trung tâm, từ đầu năm đến nay, tại Đà Nẵng ghi nhận hơn 1.200 ca thủy đậu, 1.000 ca sốt phát ban nghi do nhiễm rubella và gần 100 trường hợp mắc các bệnh tay-chân-miệng khác…
tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến người dân nườm nượp đưa bé đi tiêm phòng
BS Lãm cũng chia sẻ: Việc người dân chủ động đưa con em đi tiêm ngừa dịch bệnh là tích cực. Tuy nhiên, việc tiêm phòng dịch bệnh sẽ hiệu quả hơn nếu được tiêm phòng trước mùa dịch bệnh, chứ không đợi đến khi dịch bệnh vào mùa rồi mới đổ xô đi chích ngừa. Điều này để tránh việc đã dính mầm bệnh rồi mới tiêm vacxin thì không có tác dụng; cũng để tránh quá tải và thiếu nguồn cung vacxin tại các trung tâm y tế dự phòng.