Đà Nẵng: “Cháy” vắc-xin dịch vụ do nhu cầu tăng cao

(Dân trí) - Những ngày này, nhiều người dân đưa con đến Trung tâm y tế dự phòng TP Đà Nẵng để tiêm vắc–xin 6 trong 1, 5 trong 1 (của Pháp), thủy đậu, sởi-quai bị-rubella (của Séc) đều phải ra về vì hết vắc xin.

Sáng 3/3,  đang đứng trước cổng ra vào của Trung tâm Y tế dự phòng  TP Đà Nẵng cùng chồng và đứa con trai 3 tuổi, chị Vũ Thị Minh Loan (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho biết, chị đưa con đến tiêm mũi thủy đậu để chuẩn bị nhập học cho con vì theo quy trình của trường, trẻ nhập học trường này phải là những trẻ đã tiêm mũi thủy đậu. Tuy nhiên vừa đến đầu cổng, bảo vệ cho biết vắc–xin thủy đậu đã hết hàng và phải qua tháng 4 mới có lại.

Bảng thông báo tạm hết một số vắc-xin tại Trung tâm y tế dự phòng TP Đà Nẵng sáng 3/3
Bảng thông báo tạm hết một số vắc-xin tại Trung tâm y tế dự phòng TP Đà Nẵng sáng 3/3

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng cho biết, các loại vắc-xin trong chương trình mở rộng hàng tháng vẫn được tiêm đầy đủ và không thiếu mà chỉ thiếu một số vắc–xin tiêm dịch vụ. Cụ thể, hiện tại trung tâm đang tạm hết vắc–xin 6 trong 1, 5 trong 1 (của Pháp),  thủy đậu,  sởi–quai bị-rubella (hết của Mỹ và Pháp, của Séc vẫn còn).

Nguyên nhân thứ nhất là do việc nhập hàng của các công ty phân phối bị chậm trễ. Thứ hai, người dân nghe các thông tin về sự cố liên quan đến việc tiêm vắc -xin Quinvaxem, viêm gan B sơ sinh trong thời gian vừa qua cho nên một số phụ huynh không yên tâm, đã đưa con đi tiêm chủng dịch vụ vắc xin 6 trong 1. Thực ra mình không khuyến cáo người dân tiêm 6 trong 1 mà khuyến cáo người dân tiêm Quinvaxem. Hiện nay, Bộ y tế cũng đã đảm bảo số lượng Quivaxem đầy đủ, không bị đứt hàng gián đoạn như 6 trong 1. 6 trong 1 là do một công ty phân phối vì vậy phải tùy thuộc vào nguồn từ công ty. Thứ ba là hiện nay, tại một số địa phương, tình hình bệnh thủy đậu tăng nên người dân ồ ạt đưa con đi tiêm. Ngoài ra, hiện nay một số trường mầm non yêu cầu trẻ em phải từng được tiêm thủy đậu và một số bệnh khác mới được cho vào học.

Người dân đưa con đi tiêm vắc-xin tại Trung tâm y tế dự phòng TP Đà Nẵng sáng 3/3
Người dân đưa con đi tiêm vắc-xin tại Trung tâm y tế dự phòng TP Đà Nẵng sáng 3/3

“Trong khi đó, vắc-xin đều có hạn sử dụng nên mình không thể nhập nhiều được. Khi nhập, mình thường căn cứ vào nhu cầu để nhập nhưng bữa ni nhu cầu tăng đột biến thì sẽ thiếu. Mình nhập, các tỉnh khác cũng nhập vì thế các nhà phân phối phải chia nhỏ. Những vắc-xin đứt hàng ở đây các tỉnh thành khách cũng bị đứt”, bác sĩ Thạnh nói.

Cũng theo bác sĩ Thạnh, vắc-xin thủy đậu công ty phân phối thông báo đến tháng 4 này sẽ có hàng. Còn vắc-xin 6 trong 1 và 5 trong1 (của Pháp) sẽ có trong tháng 5.

Bác sĩ Thạnh khiến cáo người dân, hiện nay các vắc-xin trong chương trình mở rộng vẫn đầy đủ vì thế phụ huynh nên đưa con em đến trạm y tế để tiêm đúng lịch và đủ liều. Khi có điều kiện tiêm các vắc-xin ngoài chương trình mở rộng thì người dân nên đưa con em đi tiêm ngay không đợi đến lúc có dịch, mùa cao điểm dịch mới đi tiêm gây tình trạng quá tải và thiếu hụt vắc-xin. Bên cạnh tiêm vắc-xin, các bậc phải giữ gìn vệ sinh, giữ ấm cho trẻ bởi không có vắc-xin nào phòng bệnh được 100% cả.

Bệnh nhân điều trị bệnh thủy đậu tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng
Bệnh nhân điều trị bệnh thủy đậu tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng

Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm, số bệnh nhân mắc thủy đậu đến khám tại bệnh viện tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tháng 1/2014 có 198 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh thủy đậu (tháng 1/2013 có 74 bệnh nhân), tháng 2/2014 có 300 bệnh nhân đến khám và điều trị (tháng 2/2013 có 56 bệnh nhân).

Hiện tại, 80 giường bệnh tại khoa Da liễu đều đông kín với hơn 100 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó bệnh nhân thủy đậu chiếm 40-50%.

Theo bác sĩ Nguyễn Toại, Trưởng khoa Da liễu cho hay, bệnh thủy đậu thường xảy ra quanh năm nhưng phát triển mạnh nhất vào thời điểm chuyển mùa đông xuân, tiết trời nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút thủy đậu phát triển mạnh. Những biểu hiện đầu tiên của bệnh là sốt, chán ăn, mệt mỏi và 1-2 ngày sau bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban dạng phỏng nước. Các nốt phỏng nước ban đầu nhỏ như các loại ban thông thường ở vùng ngực, bụng, lưng, mặt, chân và nhất là ở vùng da đầu. Đặc biệt, các nốt ban gây ngứa, làm bệnh nhân gãi nhiều, làm vỡ các nốt phỏng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, khi lành sẽ để lại sẹo lõm, dẫn đến mặt rỗ, ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ. Nặng hơn, các mụn nước của bệnh thủy đậu gây ra còn là nơi mà vi khuẩn dễ xâm nhập, gây nhiễm trùng máu rất nguy hiểm. Vì vậy, khi mắc thủy đậu cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc và kịp thời phát hiện nếu bệnh diễn biến xấu.


Khánh Hồng