Đã giảm 40% tỷ lệ vượt tuyến khám chữa bệnh
(Dân trí) - Với nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tăng số giường bệnh, chuyển giao chuyên môn cho tuyến dưới, áp dụng kỹ thuật mới, tỷ lệ vượt tuyến giảm 40% giúp giảm tải bệnh viện tuyến trung ương. Bộ kỳ vọng, đến năm 2020 bệnh nhân sẽ không còn nằm ghép.
Quá tải bệnh viện đã xuống dưới 100%
Thực trạng quá tải bệnh viện với 2 đến 3 bệnh nhân nằm một giường hoặc nằm cả dưới gầm giường và lối đi diễn ra thời gian qua đã trở thành vấn đề “nóng” của ngành Y tế. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từng thẳng thắn nhìn nhận: Mỗi người khi mang bệnh đã phải đối mặt với những nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần, họ cần phải được chăm sóc tốt khi đi khám và điều trị. Nhưng trong bối cảnh nước ta còn nghèo, đầu tư cho y tế hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bệnh nhân phải xếp hàng dài chờ khám bệnh từ 4 giờ sáng, phải nằm chen chúc để được điều trị đó là nỗi đau của cả xã hội.
Là người “đứng mũi chịu sào” đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, từ năm 2013 với quyết tâm “giảm tải” Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã trình và được Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 đến 2020.
Trong 2 năm qua, ngành y tế đã nỗ lực triển khai giảm công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện tuyến trung ương từ 120% xuống còn dưới 100%, khắc phục tình trạng nằm ghép, phấn đấu đến năm 2020 không còn tình trạng nằm ghép; nâng công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh từ 60% lên 80%; giảm thời gian lưu lượng người chờ khám bệnh; tăng giường bệnh công lập trên phạm vi cả nước.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay: Từ năm 2013 đến nay, ngành Y tế đã đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp và mở rộng nhiều bệnh viện từ tuyến trung ương (bệnh viện Việt Đức, Nhi Trung Ương, Thống Nhất, Chợ Rẫy…) đến tuyến cơ sở trên cả nước, giúp tăng thêm gần 40.000 giường bệnh, trong đó có trên 15.000 giường bệnh được xây dựng mới. Bên cạnh đó, các bệnh viện đã mở thêm hơn 5.000 bàn khám bệnh gắn với tăng cường công tác quản lý và nâng cao toàn diện chất lượng bệnh viện. Cùng với hệ thống bệnh viện vệ tinh, Bộ Y tế đã triển khai đề án bác sĩ gia đình, đề án 1816 tăng cường đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho y tế tuyến cơ sở.
Sự phát triển đồng bộ trên đã thúc đẩy 13 bệnh viện tại khu vực phía Bắc và 23 bệnh viện khu vực phía Nam (tính đến tháng 4/2015) tự nguyện ký cam kết không để người bệnh nằm ghép khi vào điều trị nội trú trong thời gian tối đa là 24 giờ, 48 giờ sau nhập viện.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã nhanh chóng đẩy lùi tình trạng quá tải tại khu vực điều trị nội trú, 58% tổng số bệnh viện tuyến trung ương quá tải phải nằm ghép trước đây, nay đã và đang có xu hướng giảm, nhiều khoa không còn nằm ghép. Tuyến tỉnh cũng có 47% bệnh viện đang giảm dần số ca nằm ghép trên 1 giường bệnh. Cùng với việc kéo giảm tỷ lệ vượt tuyến đạt 40%, thời gian chờ khám bệnh cũng giảm trung bình 48,5 phút trên một lượt khám.
Hàng trăm kỹ thuật chuyên môn sâu, hiện đại được chuyển giao
Chuyển giao kỹ thuật chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trên cho bệnh viện tuyến cơ sở là tiền đề quan trọng để nâng cao tay nghề cho y bác sĩ tuyến dưới, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh, giúp họ vững tâm điều trị tại chỗ.
Theo thống kê của Cục quản lý khám chữa bệnh, nhiều kỹ thuật chuyên môn sâu đã được chuyển giao trong thời gian từ 2010 đến nay. Chuyên ngành ung bướu đã tiến hành chuyển giao 58 lượt kỹ thuật cho tuyến dưới; chuyên ngành tim mạch đã chuyển giao 27 kỹ thuật; chuyên ngành ngoại chấn thương đã hoàn thành 105 lượt chuyển giao kỹ thuật; chuyên ngành nhi đã hoàn thành 34 lượt chuyển giao kỹ thuật; chuyên ngành sản đã hoàn thành 28 lượt chuyển giao kỹ thuật.
Nhiều bệnh viện vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật y học cao do bệnh viện hạt nhân chuyển giao, thiết thực giúp người bệnh nhất là người bệnh nghèo được tiếp cận và được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới. Điển hình là bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện can thiệp tim mạch, mổ tim hở thường quy; bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã làm chủ kỹ thuật can thiệp tim mạch… nhờ đó, cứu chữa kịp thời nhiều ca bệnh cấp cứu, đặc biệt là nhồi máu cơ tim cấp…
Với việc tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao từ bệnh viện hạt nhân, tỷ lệ chuyển tuyến của các bệnh viện vệ tinh đã giảm rõ rệt: 37,5% số bệnh viện vệ tinh đã có tỷ lệ chuyển tuyến giảm, như bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận tỷ lệ chuyển tuyến chấn thương sọ não năm 2013 là 104 ca, năm 2014 còn 12 ca, giảm chuyển tuyến 88,46%; bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú thọ sau khi được tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ung bướu, số lượt người bệnh được xạ trị và phẫu thuật ung bướu tại bệnh viện tăng cao năm 2013 là 2.876 ca, năm 2014 là 5.535 ca.
Cùng với chuyển giao kỹ thuật, các bệnh viện còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào khám chữa bệnh như đưa hệ thống truyền hình trực tiếp (telemedicine) vào hội chẩn trực tuyến và hỗ trợ chuyên môn từ xa. Ứng dụng công nghệ thông tin, lập hồ sơ, bệnh ánh điện tử; đăng ký khám bệnh thông qua tổng đài 1080… Nỗ lực trên đã cứu nhiều ca bệnh nguy nan ngay tại địa phương mà không cần chuyển lên tuyến trên, giảm thời gian chờ đợi, tăng sự hài lòng của người bệnh.
Nhân Hà