1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Cứu tinh” của nhiều căn bệnh nan y

(Dân trí) - “Khi chúng ta lưu trữ tế bào gốc từ máu dây rốn của con, hay gửi tế bào gốc của chính mình không ai trong chúng ta mong muốn phải sử dụng nó. Nhưng điều trị bằng tế bào gốc thực sự là “cứu tinh” cho nhiều căn bệnh nan y hiện nay”.

Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TƯ tại hội thảo quốc tế về tế bào gốc diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 11 vừa qua.
 

 

“Cứu tinh” của nhiều căn bệnh nan y - 1

Cuộc đời em bé này đã thay đổi hoàn toàn nhờ chính những tế bào gốc nhỏ bé, thần kỳ
 
Theo TS Trí, hiện nay ở Việt Nam, tế bào gốc đã được ứng dụng ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh, giúp điều trị hiệu quả một số bệnh lý trong nhiều lĩnh vực như bệnh lý giác mạc, bệnh tim, bỏng, huyết học…. Vì tế bào gốc là những tế bào có khả năng biệt hóa thành những tế bào khác nhau trong cơ thể, có khả năng “sửa chữa”, thay thế cho các tế bào không còn có thể thực hiện chức năng của nó.

 

Như tại Viện Huyết học - Truyền máu TƯ, thực hiện ghép tế bào gốc bắt đầu từ cách đây 5 năm, lúc đầu là ghép tế bào gốc tự thân, sau đó là ghép tế bào gốc đồng loại cho các nhóm bệnh lý cơ quan tạo máu (đa u tuỷ xương, u lympho ác tính, lơxêmi…). Cho đến nay (11/2011), đã có 28 trường hợp ghép tế bào gốc tự thân và 9 trường hợp ghép tế bào gốc đồng loại.

 

Tại viện Bỏng quốc gia, đã chế tạo được tấm nguyên bào sợi nuôi cấy từ trung bì da, ứng dụng điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân có vết thương mãn tính: tiểu đường, bỏng chậm liền, tai nạn… 5 năm qua, việc ghép nguyên bào sợi cho bệnh nhân đã trở thành thường quy, mỗi năm tại Viện ghép cho 150 bệnh nhân bỏng và 300 bệnh nhân mãn tính. Tế bào gốc cũng được áp dụng điều trị bệnh lý giác mạc, tim mạch, bệnh xương khớp…

 

“Để phát triển hơn nữa hoạt động nghiên cứu điều trị bằng tế bào gốc, Việt Nam cần phải có một “Chương trình Tế bào gốc quốc gia” kéo dài 5-10 năm hoặc lâu hơn nữa, và phải được đầu tư lớn để có thể có đủ kinh phí và nguồn lực nhằm phát triển nguồn người hiến tế bào gốc, xét nghiệm HLA, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, mở rộng và kết nối với các trung tâm tế bào gốc quốc tế, đào tạo cán bộ…”, ông Trí nhận định.

 

Hồng Hải