Cứu sống thiếu niên đột nhiên liệt toàn thân sau một đêm
(Dân trí) - Đào Thế Anh (13 tuổi, Hoa Lư, Ninh Bình) là một thiếu niên hoàn toàn khỏe mạnh, thế nhưng sau một đêm tỉnh dậy em bỗng liệt toàn thân, liệt cơ hô hấp... phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đồng tử hai bên đã hơi giãn.
Các bác sĩ khoa Nhi (BV Bạch Mai) chia sẻ, cứu sống được bệnh nhi là một thành công ngoài sức tưởng tượng của các bác sĩ, bởi diễn biến liệt của bệnh nhi “siêu tốc”, không hề giống với diễn biến thông thường.
Ngày 31/7, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, sau 25 ngày điều trị, bệnh nhi Đào Thế Anh đã hoàn toàn khỏe mạnh, không để lại di chứng, dù trước đó, diễn biến bệnh của bệnh nhi rất đặc biệt, hoàn toàn không như các trường hợp đã từng gặp ở viện (trung bình 1-2 ca/năm).
Bệnh nhân là Đào Thế Anh (13 tuổi, Hoa Lư, Ninh Bình) tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh nhưng sau một đêm ngủ, khoảng 6h sáng ngày 4/7, em thức dậy trong tình trạng khó thở, lọc xọc đờm dãi, người mềm nhũn, liệt dần; nghe hiểu được nhưng không thể nói. Ngay lập tức, gia đình đưa vào bệnh viện Ninh Bình cấp cứu. Đến viện, bệnh nhi đã ở trong tình trạng lơ mơ, đồng tử hai bên hơi giãn, gần như liệt toàn thân, không thở.
BS Nguyễn Văn Hưng, Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, tuyến dưới đã khám rất kỹ càng: bệnh nhi được cấp cứu, làm đầy đủ các xét nghiệm nhưng các kết quả xét nghiệm đều bình thường. Hình ảnh chụp CT não cũng không có một biểu hiện của bệnh lý gì, kết quả chọc dịch não tủy không mắc bệnh lý viêm não, màng não… trong khi bệnh nhi vẫn liệt, không nuốt được.
Nghĩ đến nguy cơ liệt cơ cấp, bệnh nhi đã tiêm một thuốc chống nhược cơ, giúp cơ khỏe lên nhưng bệnh nhi vẫn không chuyển biến tốt lên. Sau khi khám kỹ thấy mắt cá chân bên trái có một vết bầm tím, các bác sĩ bệnh viện Ninh Bình nghi ngờ đó là bị rắn cắn (vì có dấu hiệu liệt cơ không tìm ra nguyên nhân, rất có thể do rắn cắn gây liệt cơ) nên đã chuyển lên Trung tâm chống độc BV Bạch Mai.
Tại thời điểm bệnh nhân chuyển vào khoa Nhi (ngày 5/7), các bác sĩ khám kỹ và loại trừ nguy cơ rắn cắn bởi bệnh nhân không có rối loạn đông máu và triệu chứng khác kèm theo. Sau hội chẩn, nhận thấy diễn biến bệnh quá nhanh, các bác sĩ đã nghĩ đến hội chứng Liệt lan lên (liệt từ chân lên đến cổ, viêm toàn bộ tủy sống rất nhanh, gây liệt cơ hô hấp, liệt màng hầu).
Với bệnh lý này, nếu được điều trị trong vòng 3 ngày đầu khởi bệnh, bệnh nhân có cơ hội phục hồi tốt. Còn phát hiện, điều trị chậm, với thuốc này người bệnh phục hồi chậm và nguy cơ để lại di chứng trầm trọng. Có những bệnh nhi phát hiện muộn không hồi phục hoàn toàn, phải ngồi xe lăn vì chân yếu, vì thời gian nằm thở máy rất lâu, vài ba tháng nên sau rút nội khí quản thường phải tập phục hồi chức năng. |
“Đúng như chẩn đoán ban đầu, sau khi truyền thuốc đặc trị, bệnh nhân đỡ lên từng ngày. Đến hôm nay, sau 25 ngày nằm viện, bệnh nhân đã hết liệt, đi lại được dù còn yếu. Xét nghiệm dịch não tủy vẫn còn hiện tượng đạm cao, tế bào thấp, nhưng theo kinh nghiệm, hiện tượng phân ly đạm này sẽ từ từ thoái triển. Tuy nhiên vì trong giai đoạn thoái triển, bệnh nhi vẫn cần vận động nhẹ nhàng, tái khám 15 ngày một lần”, TS Dũng cho biết.
Nhờ được chẩn đoán, điều trị kịp thời bệnh nhi hồi phục nhanh, không để lại di chứng.
Theo TS Dũng, trường hợp này là một ca khó khăn trong chẩn đoán. “Ra chỉ định điều trị thời điểm này cực quan trọng. Tôi muốn nhấn mạnh, dù hiện nay kỹ thuật hiện đại, nhưng vẫn không thể bỏ qua các kỹ năng thăm khám, kỹ năng hỏi bệnh, theo dõi chi tiết tỉ mỉ để có ra quyết định chính xác.
Bệnh nhi này được chẩn đoán phần nhiều dựa vào những kỹ năng đó, khi bệnh nhi vẫn nhận thức được nhưng lại liệt toàn thân từ cổ trở xuống. Nhưng bộ não vẫn chỉ huy rất tốt, bác sĩ nói bé vẫn phối hợp tốt trong khám bệnh, nhờ ra các kí hiệu tay… nên bác sĩ ra được chẩn đoán điều trị nhanh chóng”.
Nhờ sự chẩn đoán nhanh, điều trị sớm ngay 2 ngày đầu bị liệt, hiện sức khỏe bé đã ổn lại, đi lại, co ruỗi đã được 70 - 80% so với bình thường. Chắc chắn diễn biến sau đó bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng.
Bài và ảnh: Tú Anh