1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cứu sống thai nhi bị suy thai do 5 vòng dây rốn quấn chặt

Trường Thịnh

(Dân trí) - Thai nhi hơn 35 tuần tuổi, trước đó được chẩn đoán 1 vòng dây rốn quấn cổ, sức khỏe bình thường, mẹ bầu bị tiểu đường. Sau đó, cảm thấy thai nhi ít đạp dần, chị Đ.H.L tới Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI thăm khám và được phát hiện thai suy.

Cuộc "phiêu lưu" đầy hiểm nguy của "người nhện" tí hon

Cứu sống thai nhi bị suy thai do 5 vòng dây rốn quấn chặt - 1

Em bé được đưa ra ngoài bụng mẹ với 1 vòng dây rốn quấn cổ, 5 vòng dây rốn quấn chặt chân, tay và thân. 

Sản phụ Đ.H.L, 33 tuổi, mang thai 35 tuần 4 ngày nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF). Qua các lần thăm khám trước đó, thai kỳ của chị được đánh giá là bình thường, có thể theo dõi sinh thường.

Chị cho biết, đêm ngày 15/9, thai nhi ít đạp, nhưng không nghĩ nhiều bởi cho rằng đêm nên em bé ngủ. Tuy nhiên, như thông thường, ban đêm chị dậy đi vệ sinh thì sẽ thấy bé đạp, nhưng lần này thì không. Tới sáng 16/9, 6h30 vợ chồng chị mở nhạc cho bé nghe, nhưng không thấy thai nhi đạp hay phản ứng. Vợ chồng chị quyết định đợi thêm đến 8h30, với bản năng của người mẹ, đồng thời nhớ lại lời các bác sĩ TCI căn dặn về các dấu hiệu bất thường, chị đã quyết định đến viện khám.

Kết quả thăm khám ban đầu khiến gia đình và các bác sĩ không khỏi giật mình. Siêu âm cho thấy, hình ảnh 1 thai ngôi đầu trong buồng tử cung, nhau ối bình thường, P: 2585 gram, tim thai: 155 lần/phút, lưỡng đỉnh: 94 mm. Dây rốn quấn cổ 1 vòng; tăng PSV và giảm trở kháng động mạch não giữa. MCA - PSV khoảng 92,8. PIMCA 0,73; đo monitor cho thấy: tim thai dao động kém, cơn co tử cung âm tính.

Chẩn đoán: thai 35 tuần 4 ngày, IVF, thai suy, mẹ đái tháo đường thai kỳ. Tình hình được đánh giá là nguy cấp, đòi hỏi phải có hành động thiết thực lập tức.

Cuộc đua với thời gian, khẩn cấp cứu thai nhi bị suy

Trước tình hình nguy cấp, các bác sĩ tại Thu Cúc TCI lập tức mổ lấy thai khẩn cấp, cứu hai mẹ con sản phụ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hà - Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Phụ sản của bệnh viện, người trực tiếp chỉ đạo ca mổ, nhấn mạnh: "Chỉ cần sản phụ đến chậm thêm một chút nữa, thai nhi có thể đã không qua khỏi do suy thai nặng. Lẽ ra, sản phụ nên tới thăm khám ngay từ đêm 15/9 khi bé có dấu hiệu ít đạp".

Ca mổ được tiến hành lập tức với sự tham gia của các bác sĩ giàu chuyên môn và kinh nghiệm bao gồm: bác sĩ Nguyễn Văn Hà, bác sĩ Phạm Thu Trang (Trưởng đơn nguyện Đẻ) và TS.BS Lê Tiến Dũng cùng ê-kíp hỗ trợ.

Cứu sống thai nhi bị suy thai do 5 vòng dây rốn quấn chặt - 2

Bác sĩ Nguyễn Văn Hà - Phó giám đốc kiêm Trưởng Khoa Phụ sản của Bệnh viện Thu Cúc TCI cùng ê-kíp trong một ca mổ. 

Ca mổ được thực hiện nhanh chóng, sau ít phút căng thẳng, tiếng khóc chào đời của bé trai đã xé tan bầu không khí nặng nề trong phòng mổ. Một bé trai kháu khỉnh, nặng 2,5 kg được đưa ra khỏi "xiềng xích" an toàn.

Tuy nhiên, nguy hiểm vẫn chưa dừng lại. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ nhận định: trẻ non tháng, có dấu hiệu suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh sớm. Lập tức, bé được chuyển tới phòng sơ sinh để được chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, sức khỏe của người mẹ được đánh giá là ổn định sau ca mổ.

Bé trai được điều trị tích cực với liệu trình truyền kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng và hỗ trợ hô hấp. Kết quả đã không phụ lòng mong đợi của gia đình và đội ngũ y bác sĩ. Sau 4 ngày lưu viện, sức khỏe của bé đã phục hồi tốt. Cả hai mẹ con sản phụ được xuất viện.

Chia sẻ về hành trình vượt cạn của mình, chị H.L cho biết: "Thoát khỏi sinh tử trong gang tấc, ngay lúc này khi bế con trên tay an toàn, tim tôi vẫn đập nhanh, đầy sợ hãi. Cảm ơn các bác sĩ rất nhiều vì đã giúp 2 mẹ con bình an".

Bác sĩ Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh: "Trong thai kỳ, đặc biệt là giai đoạn gần sinh, các mẹ cần lưu ý đến mọi dấu hiệu bất thường. Việc thai nhi đạp ít hơn, trong nhiều trường hợp có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng như trong trường hợp chị H.L. Các mẹ bầu cần theo dõi sát sao các cử động của thai nhi; không chủ quan với bất kỳ dấu hiệu bất thường nào; khi có nghi ngờ, hãy đến bệnh viện thăm khám ngay".