Cứu sống ca ngừng tim do điện giật trong bão số 3
Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội) vừa cứu sống 1 trường hợp bị điện giật nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim.
18 giờ 30 phút, ngày 18/8, bệnh nhân là Bùi Công Hiệp (27 tuổi), xã Hồng Lý, Vũ Thư, Thái Bình, đang làm kỹ thuật điện tại Hà Nội, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, ngừng tim... do bị điện giật vì cây đổ trong mưa bão. Tại khoa Cấp cứu, sau 30 phút được cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện… bệnh nhân đã có mạch và huyết áp trở lại. Nhưng sau khi chuyển sang khoa Hồi sức tích cực và chống độc, bệnh nhân tiếp tục bị hôn mê sâu, liên tục bị loạn nhịp tim, thậm chí có lúc ngừng tim…
BS Nguyễn Đức Toàn, khoa Hồi sức tích cực và chống độc, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn, cho bệnh nhân sử dụng thuốc vận mạnh, thở máy, sốc điện … Sau 3 giờ thực hiện các biện pháp hồi sinh tổng hợp, bệnh nhân đã qua được cơn nguy kịch, tình trạng dần ổn định hơn. Hiện tại, ý thức của bệnh nhân đã được cải thiện, thuốc vận mạch cũng đang được sử dụng cho bệnh nhân theo hướng giảm dần liều”.
Theo BS Nguyễn Thế Anh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, ngoài sự nỗ lực của các bác sĩ khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, việc bệnh nhân được cách ly ra khỏi nguồn điện và sơ cứu trước khi đưa đến viện rất quan trọng, góp phần cứu sống bệnh nhân.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức về tình huống hi hữu này, anh Nguyễn Văn Huy, người bạn đi cùng bệnh nhân Hiệp, cho hay: Khoảng 18 giờ chiều qua, Huy và anh Hiệp đang trên đường đi làm về thì gặp mưa bão. Tới đoạn đường Trần Khánh Dư, bỗng nhiên anh Hiệp ngồi sau bị ngã xuống đường. Lúc này, Huy cầm lái, vẫn ngồi trên xe, nhưng có cảm giác bị tê tay như điện giật; quay ngoắt người nhìn lại thì đúng là vì mưa bão nên cây đổ ở phía sau, dây điện bị đứt văng ra và vẫn vắt qua người anh Hiệp.
“Tôi vội vàng lấy cành cây gần đó để gạt dây điện ra khỏi người anh Huy, rồi cùng với 2 người đi đường tốt bụng khác đưa anh ấy đến BV Hữu nghị bằng xe ô tô. Trong quá trình đó, chúng tôi liên tục thổi ngạt và ấn ngực cho bệnh nhân. May là, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị đã cấp cứu kịp thời, giúp bạn tôi qua cơn nguy kịch”, anh Huy cho hay.
Theo BS Nguyễn Thế Anh, trong thời tiết mưa bão như hiện nay, nguy cơ bị điện giật do cây đổ, dây diện bị đứt là rất cao. Do đó, người dân cũng cần trang bị cho mình những cách phòng ngừa và cách sơ cứu khi có người bị điện giật. Trong trường hợp có người bị điện giật thì trước tiên cần lập tức ngắt nguồn điện, tách nạn nhân ra khỏi dòng điện, nên dùng gậy nhựa hoặc gỗ khô, không dùng vật dụng bằng kim loại) gạt dây điện ra. Trong mưa bão, nếu nạn nhân đang ở nơi có nhiều nước thì cần đưa ra khỏi vùng nước. Tuyệt đối không vì hoảng loạn mà sờ ngay vào người bị điện giật khi chưa ngắt điện, nhiều trường hợp cứu người không đúng cách đã bị tử vong trước khi cứu được cả nạn nhân.
“Trường hợp nạn nhân đã ngừng thở, ngừng tim thì cần thực hiện ép tim ngoài lồng ngực và thổi ngạt. Đồng thời, bằng phương tiện nhanh nhất có thể, lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Thực tế, nếu tích cực hô hấp nhân tạo kịp thời và đúng cách trong những phút đầu tiên thì nạn nhân có thể được cứu sống. Nhưng nếu không được sơ cứu đúng cách thì không ít người đã tử vong ngay trong thời gian đợi xe cấp cứu đến”, BS Nguyễn Thế Anh khuyến cáo.
Theo Phương Liên
Tin tức