Cứu sống bé trai 45 ngày tuổi “thập tử nhất sinh”

(Dân trí) - Bé trai 45 ngày tuổi nhập viện trong tình trạng sốc nặng, tím tái toàn thân, có nguy cơ ngừng thở phải cấp cứu bóp bóng. Sau đó, các bác sĩ đã “mạo hiểm” tiến hành can thiệp tim mạch trong tình trạng cấp cứu, giúp bé thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Đây cũng là lần đầu tiên một bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, lại đang trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp trầm trọng, suy tim được can thiệp tim mạch thành công nhờ sự phối hợp kịp thời giữa Viện Tim mạch Quốc gia và Khoa Nhi BV Bạch Mai. Bệnh nhi may mắn đó là Hà Quang Dũng, ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội.

Ngày 26/12, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết: Đêm 10/12, bé Dũng được gia đình đưa tới khoa Nhi BV Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng sốc nặng, bị suy tim, suy hô hấp, mạch không bắt được, nhịp tim 200 lần/phút (bình thường chỉ từ 110 - 120 lần/phút), bụng trướng, đặc biệt tím tái rất nặng, có nguy cơ ngừng thở.

Bé Dũng sinh ra nặng 3,1kg, sức khỏe bình thường. Đột nhiên, tới tầm 21h ngày 10/12, bé Dũng có biểu hiện khó chịu, khóc to. Đến khoảng 22h thì bé trở nên tím tái, khó thở. Gia đình vội đưa cháu vào Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.

Các bác sĩ đã phải tiến hành cấp cứu bằng bóp bóng mới giúp bé thở lại được. Tuy đã được cấp cứu, làm thông khí tốt rồi cho uống kháng sinh, trợ tim nhưng bệnh nhân vẫn rất nguy kịch, tim vẫn bị suy kèm theo suy hô hấp nặng phải thở máy. Thông thường, khi được thở máy tình trạng bệnh nhân phải tốt hơn nhưng tình trạng cháu Dũng vẫn không khá hơn mà ngày càng trầm trọng.

Sau đó, TS Nguyễn Đông Hải, chuyên khoa Tim (Khoa Nhi, BV Bạch Mai) đã quyết định làm siêu âm tim cấp cứu tại giường bệnh, trong tình trạng bệnh nhi đang thở máy. Nguyên nhân được tìm thấy, đó là Phát bị hẹp động mạch chủ lớn, vì thế, tim không bơm được máu ra nuôi cơ thể.

Các bác sỹ đã đề nghị hội chẩn với Viện Tim mạch Việt Nam, nhưng các chuyên gia cho biết không thể tiến hành mổ cắt và nối đoạn hẹp cho cháu bé trong tình trạng thở máy vì khả năng thất bại quá cao. Chỉ còn một cách là thông đoạn hẹp nói trên.

Tuy nhiên, bé Dũng còn quá nhỏ, lại đang trong tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng phải thở máy nên vấn đề thông cũng không đơn giản và có quá nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nếu không tiến hành can thiệp sớm, bé sẽ tử vong nên các chuyên gia đã quyết định tiến hành nong hẹp động mạch chủ cho bé Dũng vào ngày 16/12.
 
Từ khoa nhi sang Viện Tim mạch chỉ chừng 100m nhưng việc chuyển bệnh nhi qua đó là cả một quá trình vất vả. Vì trong chặng đường di chuyển, bé sẽ không được thở máy, bác sĩ phải liên tục bóp bóng trợ thở.

ThS Nguyễn Lân Hiếu, Viện Tim mạch Việt Nam, là người trực tiếp tiến hành can thiệp tim mạch cho bé Dũng. Ca can thiệp đã thành công tốt đẹp trước sự ngạc nhiên của các chuyên gia Pháp đang công tác tại Viện Tim mạch Việt Nam.

Sau đó, bé Hà Quang Dũng nhanh chóng được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai và diễn tiến hồi phục sức khỏe khá tốt. Đoạn hẹp động mạch chủ từ gần 3mm đã tăng lên 4,7mm, bé không còn phải thở máy, ăn ngủ tốt, sắc diện đã hồng hào trở lại, bé đã bú tốt và không còn tình trạng suy tim.

 

Cứu sống bé trai 45 ngày tuổi “thập tử nhất sinh” - 1
 

Niềm vui của bố bé Dũng khi con được cứu sống 

Theo TS Nguyễn Đông Hải, hẹp eo động mạch chủ nếu được can thiệp ngay từ sơ sinh sẽ tốt hơn. Vì bệnh nhân đến sớm, khi chưa bị suy hô hấp, suy tim nặng thì thủ thuật can thiệp sẽ đơn giản hơn nhiều. Vấn đề là phải chẩn đoán từ khi chưa có triệu chứng.

Hẹp eo động mạch chủ có nguy cơ gây tử vong rất cao, chiếm từ 5 - 6% trong các bệnh lý tim mạch bẩm sinh trẻ em.

Hồng Hải