1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cứu sống bé 1 tuổi tím đen, hôn mê vì hóc thạch

(Dân trí) - Vừa đưa miếng thạch vào miệng, cậu bé Lương Hữu Nghĩa (14 tháng tuổi, TP Bắc Giang) ho sặc sụa khiến miếng thạch chui tọt vào đường thở. Cậu bé lập tức tím tái toàn thân, ngừng thở…

Sống sót hy hữu

Ngay khi phát hiện cháu hóc thạch, ông bà đã đưa cháu vào cấp cứu tại BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang, đặt ống nội khí quản, hút truyền dịch… nhưng cháu Nghĩa vẫn tím tái toàn thân, rơi vào trạng thái hôn mê nên đã nhanh chóng được chuyển thẳng đến BV Tai Mũi Họng Trung ương để soi gắp viên thạch nhưng bé vẫn bị ngừng thở, toàn thân tím đen và được chuyển thẳng sang khoa Nhi (BV Bạch Mai).
 
Cứu sống bé 1 tuổi tím đen, hôn mê vì hóc thạch
Hình ảnh phim chụp X-quang cho thấy phổi bệnh nhi bị tổn thương nặng, có dịch sau hóc thạch. Ảnh: H.Hải

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, khi bệnh nhi này nhập viện, những tưởng mười mươi không cứu được bởi bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, người tím đen, tim đã ngừng đập, độ bão hòa ôxy máu của cháu bé chỉ có 30-40% (người bình thường là 95%, dưới 92% đã rất nguy kịch).

PGS.TS Dũng cho biết, hóc thạch là hóc dị vật nguy hiểm nhất, rất khó gắp hết được dị vật ra khỏi đường thở bởi thạch trơn, dễ nát ra thành các viên nhỏ. Nếu cứ cố gắng hút hết dị vật trẻ sẽ bị thiếu ô-xy trầm trọng, có nguy cơ tử vong. Do đó, với trường hợp này phải luân chuyển liên tục giữa xông cung cấp ô-xy và hút dị vật. Tuy nhiên, ngay sau khi cấp cứu, qua khỏi cơn nguy kịch, bé lại bị tràn khí nhiều, ép hết vào phổi, phải mất gần 2 ngày các BS khoa Nhi mới hút được hết dị vật trong đường thở của bệnh nhi.
 
Sau 14 ngày điều trị, đến nay sức khỏe bé Nghĩa đã dần ổn định, sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Đây là trường hợp trẻ hóc dị vật là thạch đầu tiên được cứu sống tại BV. May mắn hơn, dù thời gian ngưng thở lâu nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy não không bị ảnh hưởng. BS Dũng khẳng định bé lớn lên vẫn phát triển bình thường.

Chị Phạm Thị Huyền, mẹ bé Nghĩa cho biết, gần trưa ngày 4/10, bé Nghĩa được em bé hàng xóm cho một cái thạch, hai bé chia đôi mỗi người một nửa. Bé Nghĩa vừa cho vào miệng ăn đã bị ho sặc sụa, tím tái toàn thân, ngừng thở.

“Trước đó, bé thỉnh thoảng được ăn thạch nhưng luôn được người lớn dầm thạch ra rồi xúc từng miếng nhỏ. Lần này, thấy nửa cái thạch nhỏ nên ông bà cũng không để ý. Lẽ ra cũng không đến mức hóc, nhưng vì thời điểm đó bé bị ho, có lẽ cơn ho đã gây nên tình trạng hóc thạch của bé”, chị Huyền nói.

Nguy cơ tử vong cao

Theo TS Dũng, hóc bất cứ dị vật nào cũng nguy hiểm bởi dị vật chắn vào đường thở của bé, khiến bé nhanh chóng khó thở, suy hô hấp, nhưng hóc thạch nguy hiểm hơn bội lần.

“Hóc thạch rất đáng sợ bởi thạch vốn mềm nên khi trôi xuống đường thở, nó rất dễ “thay đổi hình dáng”, ôm chặt khít lấy đường thở có thể khiến bệnh nhân tử vong ngay lập tức. Nhưng em bé này, có lẽ may mắn là miếng thạch nhỏ nên đường thở của bé không bị ôm khít”, TS Dũng nói.
 
Cháu Nghĩa may mắn sống sót sau khi đã ngừng thở, ngừng tim vì hóc thạch. Ảnh: H.Hải
Cháu Nghĩa may mắn sống sót sau khi đã ngừng thở, ngừng tim vì hóc thạch. Ảnh: H.Hải

Cùng quan điểm này, BS.ThS Hoàng Đình Ngọc, Phó Giám đốc BV Tai mũi họng TƯ cho rằng, những ca hóc thạch để cứu sống được cực kỳ hi hữu. Bởi đặc thù miếng thạch mềm, dễ dàng chui tọt vào đường thở, khít chặt lấy và khi đó, thời gian cấp cứu là vô cùng cấp bách, chỉ trong vòng 5 - 10 phút.

Có những ca bệnh, dù được bác sĩ ở bệnh viện tỉnh mở nội khí quản đến thở, đến Viện Tai mũi họng, các bác sĩ cũng gắp được miếng thạch chen ngang đường thở của bé nhưng cũng không thể trả lại cuộc sống bình thường cho bé. Vì thiếu ôxy quá lâu, mất não nên em bé phải sống thực vật suốt đời.

Rất nhiều trường hợp đã tử vong vì hóc thạch, dù ở ngay thời điểm hóc người nhà đã phát hiện và đưa đi cấp cứu. Có những người nhà chỉ cách viện chưa tròn một cây số nhưng khi đến viện thì em bé cũng đã tử vong vì miếng thạch bít toàn bộ đường thở.

Theo ThS Ngọc, chỉ thời gian 10 năm trở lại đây mới có các trường hợp bị hóc thạch. Con số đưa đến viện không nhiều, nhưng hầu như, bị hóc dị vật là thạch thì đều không thể cứu sống.

“Trẻ em vốn thích ăn thạch, cha mẹ chiều con mua cả túi thạch cho con ăn mà không lường hết được nguy hiểm. Vì thạch vốn trơn, lại thường được sản xuất dưới hình trụ, khi bóc lớp vỏ ngoài, người lớn thường bóp ở đầu chóp thạch khiến thạch được đẩy ra rất nhanh, mạnh. Nhiều trẻ vì bị cả miếng thạch đẩy vào miệng nhanh, bất ngờ trôi tọt vào cuống họng nên bị hóc gây ngạt. Trong khi thạch là món ăn không bổ béo gì, lại có thể gây nguy hiểm cho trẻ, nên tốt nhất, trẻ con tuyệt đối không nên ăn thạch. Nếu cho con ăn, không nên cho bé cầm cả cái thạch mà nên dùng thìa dằm nhỏ cho vào bát, cốc... trước khi cho trẻ ăn”, TS Dũng nói.

Theo TS Dũng, hóc dị vật là tai nạn bất ngờ, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên người lớn luôn phải chú ý tới trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ chơi các đồ chơi có thể nhét vừa vào miệng. Khi cho trẻ ăn uống, cần tránh đùa nghịch rất dễ sặc. Bóc hạt trái cây trước khi cho trẻ ăn. Với những trái cây trơn, tròn như vải, nhãn phải bóc bỏ hạt, tách nhỏ quả cho trẻ.

Còn khi thấy trẻ đang bình thường bỗng có các dấu hiệu ho sặc sụa, ngưng thở, tím tái, trợn mắt thì phải nghĩ ngay bị dị vật đường thở, cần nhanh chóng sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất, dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn, hoặc tạo khe hở để trẻ dễ thở hơn, sau đó đưa trẻ đi cấp cứu ngay. Tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, hay vuốt cổ, vuốt ngực trẻ, vì có thể khiến dị vật vào sâu hơn, hoặc làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn.

Hồng Hải