Cứu chân trái dập nát của bé trai 5 tuổi sau tai nạn

(Dân trí) - Khi bà nội đang chở đi chơi xảy ra va chạm xe, bé N.D.P (5 tuổi, Hà Nội) bị ngã xuống đường, một chiếc ô tô đã cán vào chân trái, khiến phần cơ thể từ mông xuống đùi và cẳng chân bệnh nhi bị dập nát toàn bộ.

Theo lời kể của gia đình bệnh nhi, ngày 15/4 trong lúc chở cháu đi chơi, hai bà cháu bị một chiếc ô tô đâm phải. Sau va chạm, P. bị ngã xuống đường, ô tô đã cán lên phần mạn đùi trái của bé. Sau tai nạn, bệnh nhi được đưa vào BV 198 sơ cứu vết thương, rồi được chuyển đến BV Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch tính mạnh vì sốc, trụy tim mạch, mất nhiều máu. Chưa kể phần cơ thể từ mông xuống đùi và cẳng chân đã dập nát toàn bộ.

Cháu bé trải qua ca phẫu thuật khó khăn đã may mắn qua khỏi nguy kịch và vẫn giữ được chân tổn thương dập nát sau tai nạn. Ảnh: Mai Chi
Cháu bé trải qua ca phẫu thuật khó khăn đã may mắn qua khỏi nguy kịch và vẫn giữ được chân tổn thương dập nát sau tai nạn. Ảnh: Mai Chi

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền máu cho bệnh nhi. Sau 3 giờ đồng hồ, bé mới thoát khỏi tình trạng sốc tại các vị trí tổn thương, máu vẫn chảy rất nhiều.

Bác sĩ Phùng Công Sáng, khoa Chỉnh hình nhi (BV Nhi Trung ương) cho biết, trước tình trạng chảy máu nhiều tại các vị trí tổn thương, bệnh nhi có thể tử vong vì mất máu, các bác sĩ quyết định phẫu thuật ngay trong đêm.

“Khi mở vết thương, toàn bộ phần xương chày, xương đùi của bệnh nhi bị gãy, đoạn động mạch, tĩnh mạch và thần kinh vùng khoeo chân của bệnh nhi cũng bị đứt khoảng 5cm. Đây là những tổn thương nghiêm trọng, có khả năng phải cưa cụt bên chân bị tai nạn. Tuy nhiên bệnh nhi quá nhỏ, bé mới 5 tuổi nên các bác sĩ ngay từ đầu cuộc mổ đã đặt quyết tâm, nỗ lực cứu bằng được chân cho cháu”, BS Sáng cho biết.

Là một ca phẫu thuật phức tạp do tổn thương nặng, nhưng các bác sĩ đã tiến hành mổ cố định xương chân, ghép nối động mạch và tĩnh mạch cho cháu bằng cách lấy tĩnh mạch nông tại chân bị tổn thương ghép vào phần động tĩnh mạch bị mất. Tương tự, với phần dây thần kinh, các bác sĩ cũng ghép nối thần kinh tại chỗ bằng cách lấy thần kinh nông tại vùng tổn thương ghép nối vào.

May mắn, 1 ngày sau ca phẫu thuật, bên chân tổn thương đã hồng ấm, cho thấy dấu hiệu sống. Sau 1 tuần điều trị tại Hồi sức ngoại, bệnh nhi được chuyển ra khoa và hiện sức khỏe ổn định.

BS Sáng cho biết, đến thời điểm này, phần xương được cố định của bệnh nhi không có dấu hiệu nhiễm trùng, cơ phần đùi và cẳng chân được nuôi dưỡng tốt. Riêng phần cẳng bàn chân cần được theo dõi và đánh giá lại sau 6 tháng đợi sự phục hồi của đoạn thần kinh ghép nối, vì sau ghép thần kinh ngoại vi sẽ phát triển từ 1-3mm/ ngày.

Tuy nhiên, bệnh nhi sẽ phải trải qua ít nhất 1 – 2 lần phẫu thuật nữa để bác sĩ tiến hành ghép da che phủ diện khuyết da lớn vùng đùi và cẳng chân bị mất sau tai nạn..

Hồng Hải