Bệnh nhân liệt mặt 3 tháng phục hồi nhờ y học cổ truyền
(Dân trí) - Tưởng rằng phải sống cả đời với chứng liệt mặt, một nữ bệnh nhân đã tìm lại được khuôn mặt cân đối nhờ phương pháp y học cổ truyền tại Bệnh viện FV.
Một ngày đi làm về, chị Nguyễn Thị Tình (25 tuổi, ngụ Đồng Nai) cảm thấy đau nhức một bên quai hàm và ù tai. Đến trưa hôm sau, chị bị méo miệng và mặt lệch hẳn sang một bên. Chị Tình nghĩ đây là triệu chứng của tai biến mạch máu não, nhưng khi đến bệnh viện, các bác sĩ cho biết chị bị liệt dây thần kinh số 7 và chuyển sang Đông y.
Chị Tình tìm đến một thầy thuốc Đông y và thực hiện châm cứu liên tục 2 tuần, nhưng cơ mặt ngày càng cứng, ăn uống khó khăn. Mắt luôn trong tình trạng đỏ và chảy nước do không thể nhắm chặt, kể cả khi ngủ. Tình trạng này khiến chị hoảng loạn, tinh thần suy sụp.
Được bạn bè giới thiệu, chị Tình đến gặp bác sĩ Diệc Khả Hân - Trưởng khoa Y học Cổ truyền (Bệnh viện FV). Khi đó, toàn bộ cơ mắt, mũi, miệng của chị Tình đã liệt hoàn toàn một bên.
Tại FV, bệnh nhân Tình được xoa bóp bấm huyệt, châm cứu 2 lần một tuần, kết hợp sử dụng một số thuốc y học cổ truyền (YHCT). Sau hơn 2 tháng kiên trì, bệnh nhân phục hồi gần 90% và được hướng dẫn xoa bóp, tập cơ mặt tại nhà. Đến nay, chị Tình đã phục hồi đến 98% và không còn dùng thuốc hỗ trợ.
"Bác sĩ Hân theo dõi rất kỹ tiến trình hồi phục từng vùng cơ mặt và thay đổi vị trí châm cứu hoặc phương pháp điều trị. Bác cũng rất nhẹ nhàng, động viên giúp mình yên tâm và tin tưởng. Mỗi lần điều trị về, mặt mình có tiến triển nên không chỉ mình mà cả gia đình đều rất vui. Thật sự không ngờ có thể hồi phục như thế này sau 3 tháng sống chung với chứng liệt mặt", chị Tình chia sẻ.
Nguyên nhân liệt mặt và phương pháp điều trị
Liệt mặt hay còn gọi là méo miệng được chia thành 2 dạng: Liệt mặt trung ương và liệt mặt ngoại biên. Liệt mặt trung ương là tình trạng bệnh nhân chỉ liệt phần dưới khuôn mặt như miệng, má và có thể kèm theo liệt nửa người, thường gặp ở người mắc tai biến mạch máu não (đột quỵ não). Liệt mặt ngoại biên là tình trạng bị liệt nửa phần mặt, bao gồm cơ trán, cơ mắt, cơ má, cơ miệng. Nguyên nhân chủ yếu là do siêu vi, các bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn răng hàm mặt hay tai mũi họng, hoặc có thể do chấn thương vùng đầu mặt gây ra.
Bác sĩ Hân cho biết, đa số trường hợp liệt mặt ngoại biên là do virus xâm nhập làm cho dây thần kinh số 7 bị sưng, phù nề và chèn ép các mạch máu nuôi. Máu không thể lưu thông đến các tế bào thần kinh dẫn đến những vùng bị chi phối bởi dây thần kinh đó sẽ bị liệt.
Hiệu quả chữa trị liệt mặt hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian bệnh nhân đến thăm khám. Nếu được can thiệp chữa trị trong 72 giờ sau khi bệnh khởi phát, bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn. Sau 72 giờ vàng, khả năng phục hồi càng hạn chế, thậm chí các di chứng có thể tồn tại suốt đời và không thể hồi phục.
Cũng theo bác sĩ Hân, nhiều người có tâm lý điều trị bằng YHCT thì đơn giản, không gây nguy hiểm, nên lựa chọn đến khám tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện cần thiết, dẫn đến việc điều trị ban đầu không có kết quả. Chị Tình là một ví dụ điển hình.
Do đó, khi phát hiện triệu chứng liệt mặt, bệnh nhân cần đến bệnh viện sớm để bác sĩ chẩn đoán và phân biệt đây là liệt mặt trung ương hay ngoại biên. Nếu liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, bệnh nhân sẽ được điều trị với thuốc kháng virus và kháng viêm liều cao trong 10 ngày đầu, đồng thời có thể kết hợp điều trị y học cổ truyền và vật lý trị liệu để phục hồi cơ mặt.
Phương pháp điều trị YHCT phổ biến là xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, cấy chỉ… nhằm tác động vào những vị trí nhất định ở vùng mặt, giúp cơ thể sản sinh ra những chất nội sinh, dẫn truyền thần kinh, có tác dụng dãn mạch, tăng lưu lượng máu nuôi tế bào thần kinh, giúp sợi thần kinh phục hồi tốt hơn. Đồng thời, thông qua phương pháp xoa bóp bấm huyệt, cơ thể được thư giãn, tránh tình trạng co cứng cơ sau liệt mặt và giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.
Khuyến cáo từ bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền
Bác sĩ Diệc Khả Hân khuyến cáo, bệnh nhân bị liệt mặt cần bình tĩnh và nhanh chóng đến khám tại các bệnh viện đa chuyên khoa trong thời gian vàng, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tăng khả năng hồi phục và không để lại di chứng sau này.
Khoa Y học Cổ truyền Bệnh viện FV có sự kết hợp giữa đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, cùng cơ sở vật chất hiện đại giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả, tiết kiệm chi phí và thời gian cho bệnh nhân. Các phương pháp chuyên khoa đều được thực hiện tại phòng thủ thuật đảm bảo an toàn nhiễm khuẩn đạt chuẩn y tế quốc tế JCI - một trong những tiêu chuẩn cao nhất thế giới về chất lượng y tế.
Một lưu ý quan trọng với bệnh nhân liệt mặt là dù được chữa trị hoàn toàn, bệnh vẫn có thể tái phát do virus đã sống tiềm ẩn trong sợi thần kinh và sẽ bùng lên, gây bệnh trở lại khi sức đề kháng suy giảm. Vị trí liệt mặt có thể cùng bên hoặc đối bên với lần trước.
Để phòng bệnh cũng như tránh nguy cơ tái phát, bệnh nhân cần tránh bị nhiễm lạnh, nâng cao sức đề kháng, cũng như điều trị sớm các bệnh lý nhiễm khuẩn tai mũi họng và răng hàm mặt nếu có.
Liên hệ hotline Bệnh viện FV (028) 54 11 33 33 để được tư vấn thăm khám khi gặp triệu chứng liệt mặt.
Yến Lê