“Cuống cuồng” tìm giải pháp chống bệnh tay chân miệng

(Dân trí) - Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc phòng ngừa và điều trị đặc hiệu, sự bùng phát dịch trong thời gian qua đang khiến ngành y tế “đau đầu” tìm giải pháp ứng phó.

Mỗi tuần toàn thành phố có hơn 300 trường hợp phải nhập viện điều trị vì bệnh tay chân miệng (TCM). Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã có hơn 2.000.000 ca nhiễm loại bệnh nguy hiểm này, trong đó 11 ca đã tử vong. Dịch bệnh có nguy cơ tiếp tục bùng phát mạnh trong thời gian tới.

“Cuống cuồng” tìm giải pháp chống bệnh tay chân miệng - 1
Máy thở sẽ được trang bị thêm để hạn chế số ca tử vong do bệnh TCM

Trước tình hình trên, UBND thành phố đã yêu cầu Sở Y tế làm rõ nguyên nhân dẫn đến thực trạng của loại bệnh này, đồng thời chỉ đạo ngành y tế cấp bách thực hiện các biện pháp dập dịch. Tuy nhiên, khống chế và dập dịch như thế nào để mang lại hiệu quả đang là bài toán chưa tìm được lời giải.

Theo BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng thành phố, từ trước đến nay, để ngăn ngừa bệnh tay chân miệng biện pháp chủ yếu được ngành y tế áp dụng là tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, không để các bé tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Trong trường hợp dịch bệnh lây lan sẽ phát miễn phí cloramin B cho người dân khử khuẩn làm sạch môi trường.

Loại hóa chất diệt khuẩn trên không chỉ được dùng với bệnh tay chân miệng mà còn dùng với cả bệnh sốt xuất huyết, tả, cúm, rubella… Hóa chất cloramin B có chất nhờn và mùi hôi, hơn thế khi sử dụng phải biết cách pha chế, việc phát thuốc cho người dân vẫn đang tiến hành nhưng thực tế họ có sử dụng hay không thì không thể kiểm soát được. Trước vấn đề trên, ngành y tế đang nỗ lực tìm kiếm loại hóa chất diệt khuẩn thay thế cloramin B nhưng giải pháp này vẫn chưa tìm được lối ra.

Trong khi chờ giải pháp phòng và dập dịch TCM hữu hiệu, để “giải quyết phần ngọn” hạn chế số ca tử vong UBND thành phố đã chấp thuận cho ngành y tế mua thêm máy thở điều trị cho những trẻ mắc TCM nặng cần được hỗ trợ hô hấp.

Vân Sơn