"Cuộc chiến âm thầm" 8 tháng hồi sức giúp nam thanh niên được ghép phổi đang dần hồi phục

(Dân trí) - Sau 8 tháng được ghép phổi tại Bệnh viện (BV) Việt Đức, nam thanh niên 17 tuổi thoát khỏi cuộc sống "đếm từng ngày". Tuy nhiên, bệnh nhân cũng trải qua quá trình hồi sức dài đến 8 tháng do thể lực quá gầy yếu, suy đa tạng. Hiện nay tình trạng sức khỏe bệnh nhân dần tốt lên, đặc biệt phổi hoạt động rất tốt.

Ngày 9/8, tại hội thảo khoa học về “Ghép phổi" do BV Việt Đức phối hợp với Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan tổ chức, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức đã thông tin về ca ghép phổi đầu tiên tại bệnh viện.

Trước đó, 12/12/2018, ca ghép hai phổi đầu tiên từ nguồn cho người chết não được thực hiện thành công tại BV Việt Đức, cứu sống bệnh nhân 17 tuổi đang thoi thóp từng ngày do hai phổi hoàn toàn mất chức năng. Đặc biết, kíp mổ hoàn toàn là các thầy thuốc của bệnh viện thực hiện.

Cuộc chiến âm thầm 8 tháng hồi sức giúp nam thanh niên được ghép phổi đang dần hồi phục - 1

Từ chỗ nằm bẹp thở cũng mệt, không thể nâng cao tay, giờ sau 8 tháng được ghép phổi, chàng trai này đã "tập tạ" được với hai chai dịch truyền.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước (Trưởng khoa Phẫu thuật và lồng ngực - BV Việt Đức) cho biết, nam thanh niên 17 tuổi mắc bệnh mô bào ở phổi, hai phổi tổn thương nặng. Cuộc sống của người bệnh gắn chặt với máy thở trên giường bệnh, không cách nào điều trị, tiên lượng cuộc sống sẽ dừng lại rất sớm do bệnh đã ở giai đoạn cuối.

Khi được chuyển đến BV Việt Đức, nam bệnh nhân nằm trên giường thở oxy liên tục, tình trạng suy dinh dưỡng rất nặng, gầy trơ xương do mắc bệnh trọng kéo dài.

“Trên hình ảnh chụp cắt lớp ngực, gần như toàn bộ tổ chức phổi của bệnh nhân đã bị tiêu hủy hết thành các nang – kén khí, không còn hoạt động chức năng. Nếu không được ghép phổi, bệnh nhân sẽ không có cơ hội sống", PGS Ước cho biết.

Ca ghép phổi được thực hiện ngay sau khi lấy tạng, vào khoảng 9 giờ sáng ngày 12/12/2018. Trải qua 14 tiếng đồng hồ, êkip là các bác sĩ BV Việt Đức đã thực hiện thành công ca ghép.

Diễn biến hậu phẫu của bệnh nhân ghép hai phổi trong 10 ngày đầu rất thuận lợi, các tiêu chí chuyên môn liên quan đến ghép phổi đều tiến triển tốt.

Tuy nhiên toàn trạng bệnh nhân còn rất nặng, diễn biến hậu phẫu còn phức tạp do toàn trạng bệnh nhân quá suy kiệt và một số tổn thương phối hợp ở cơ quan khác , suy nhiều tạng. 

Trải qua quá trình hồi sức dài đến 8 tháng, các bác sĩ ví đây như một "cuộc chiến âm thầm" để cứu người bệnh. Không một ngày nào bệnh nhân không được chăm sóc đặc biệt. Đến đi công tác, các bác sĩ cũng chăm chăm điện thoại để nghe báo cáo về người bệnh.

Trải qua 8 tháng hồi sức, đến nay, phổi ghép của bệnh nhân hoạt động tốt và bệnh nhân tiếp tục được điều trị phục hồi chức năng hô hấp và điều chỉnh các rối loạn thường gặp sau ghép phổi.

Thể trạng bệnh nhân được cải thiện do các tạng suy đã được ổn định. "Thời điểm ghép phổi có 10 tạng suy, giờ đã có 8-9 tạng tốt lên rất nhiều, chức năng tim, gan, thận tốt lên thấy rõ, hiện chỉ còn 1-2 tạng đang dần hồi phục", PGS Ước thông tin. 

Theo PGS Ước, có được thành công này vô cùng gian lao, nhưng nó mở ra nhiều cơ hội điều trị cho các bệnh nhân bệnh phổi giai đoạn cuối có chỉ định ghép phổi hoặc ghép tim và phổi tại Việt Nam.

PGS Ước cho biết, đoàn chuyên gia của Đài Loan cũng đã thăm bệnh nhân ghép phổi đầu tiên do các bác sĩ bệnh viện Việt Đức thực hiện. Chính các chuyên gia của Bệnh viện Quốc gia Đài Loan đã rất ngạc nhiên vì sao chúng tôi có thể làm được thành công đến thời điểm này một ca khó như vậy”, PGS.TS Ước nói.

Tại Hội nghị, PGS Ước thông tin, sau  thành công của ca ghép này có rất nhiều bệnh nhân- khoảng 50 trường hợp bị các bệnh lý liên quan đến phổi như xơ hóa phổi, tắc nghẽn phổi, tăng áp phổi... đã tìm đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để được tư vấn về ghép phổi. Hiện tại đang có 4 bệnh nhân đang chờ ghép phổi, sự sống đang tính bằng tuần, bằng tháng.

Tuy nhiên, do ghép phổi là một kỹ thuật phức tạp đòi hỏi nhiều yếu tố về nguồn cho/ người ghép có đảm bảo đầy đủ các yếu tố từ sức khỏe, tài chính, pháp lý... nên hiện vẫn chưa đủ điều kiện để có thể tiến hành thêm các ca ghép tiếp theo.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho rằng, tại hội thảo này, với sự chia sẻ về kinh nghiệm, chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành về ghép phổi sẽ cung cấp nhiều thông tin kinh nghiệm quý giá cho đội ngũ thầy thuốc và bệnh nhân có nhu cầu ghép phổi trong tương lai ở Việt Nam.

Cuộc chiến âm thầm 8 tháng hồi sức giúp nam thanh niên được ghép phổi đang dần hồi phục - 2

"Bệnh viện nơi các chuyên gia Đài Loan làm việc có bề dày thành công của các ca ghép thận, với hơn100 ca. Đây sẽ là cơ hội để các bác sĩ Việt Nam học hỏi thêm về chuyên môn", GS Giang cho biết.

Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Ước, Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan, đạt tiêu chuẩn quốc tế về nghiên cứu khoa học, đào tạo và thực hành y khoa - trong đó có lĩnh vực Tim mạch và Lồng ngực (ECMO, ghép tim, ghép phổi, mổ phổi bằng phẫu thuật nội soi một lỗ dưới gây mê không đặt ống thở…), có số ca ghép phổi trên 100 ca (chiếm trên 50% tổng số ở toàn Đài Loan), với nhiều kinh nghiệm liên quan tới mọi mặt xung quanh chủ đề ghép phổi, từ thành lập mạng lưới toàn quốc cho vấn đề lựa chọn bệnh nhân, theo dõi, ECMO sau ghép, hỗ trợ tài chính…

Tất cả  ê kip có phẫu thuật viên chính trong ghép phổi, bác sĩ chuyên chạy ECMO chính, bác sĩ gây mê hồi sức…đã sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tham dự hội nghị lần này, nhằm mục đích chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực ghép phổi rất khó khăn này.

"Việt Nam đã làm chủ ghép tim, ghép gan, ghép thận. Ghép phổi là một lĩnh vực khó. Chúng tôi cho rằng việc được tiếp cận và cập nhật các kiến thức, kỹ thuật mới liên quan đến ghép phổi để có thể phối hợp cùng chúng tôi trong việc lựa chọn, tìm bệnh nhân ghép phổi phù hợp với các điều kiện thực tế", PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nói.

Hồng Hải