1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cúm mùa cùng Covid-19 có gây "dịch chồng dịch" ở Việt Nam?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo chuyên gia, khi đại dịch Covid-19 khiến ít người tiếp xúc với virus cúm mùa thì khả năng miễn dịch của quần thể giảm và nguy cơ bùng phát dịch bệnh cúm sẽ tăng lên đáng kể.

Ngày 17/2, Hội Y học Dự phòng Việt Nam phối hợp cùng đối tác tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Cúm mùa và tầm quan trọng của việc tiêm ngừa cúm trong bối cảnh Covid-19". Tọa đàm nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh cúm mùa, đặc biệt khi tỷ lệ tiêm ngừa cúm tại Việt Nam hiện nay còn thấp.

PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa, Giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TPHCM cho biết, cúm mùa là nỗi ám ảnh của nhân loại khi là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất thế giới. Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm có khoảng một tỷ ca mắc cúm mùa với 3-5 triệu ca bệnh nặng. Trong đó có đến 650.000 ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương mỗi phút có một người tử vong vì cúm. Hầu hết trường hợp tử vong liên quan tới cúm xảy ra ở người trên 65 tuổi.

Đáng chú ý, cúm mùa không chỉ là bệnh lý đường hô hấp thông thường, mà còn là tác nhân gây trầm trọng hơn các bệnh lý nền khác, như bệnh lý tim mạch, thậm chí dẫn đến tử vong. Cúm mùa góp phần làm suy giảm chức năng hoặc khiến cho người lớn tuổi không thể hồi phục trở lại với đủ chức năng trước đó khi đã qua khỏi nhiễm trùng.

Ở trẻ nhỏ, cúm mùa gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, làm trầm trọng hơn các bệnh lý đang có, đặc biệt là gây nguy cơ viêm cơ tim.

Cúm mùa cùng Covid-19 có gây dịch chồng dịch ở Việt Nam? - 1

Theo chuyên gia, người nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn có thể nhiễm virus cúm mùa (Ảnh: Hoàng Lê).

Trả lời câu hỏi về việc cúm mùa có nguy cơ gây "dịch chồng dịch" với Covid-19 hay không, PGS Nghĩa cho biết, dù đều là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp và có một số triệu chứng giống nhau, hai dòng virus gây nên hai bệnh này có nguồn gốc khác nhau. Do đó, một người nhiễm virus gây cúm mùa vẫn có khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, nhiều người còn lơ là, chủ quan trong phòng ngừa cúm vì cho rằng Covid-19 và Cúm là giống nhau. WHO nhận định khi đại dịch Covid-19 vẫn còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ít người tiếp xúc với virus đường hô hấp theo mùa, thì khả năng miễn dịch của quần thể giảm và nguy cơ bùng phát dịch bệnh Cúm sẽ tăng lên đáng kể.

Do đó để phòng ngừa nhiễm cúm và tránh các biến chứng nặng do cúm gây ra, các cơ quan y tế trên thế giới và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo việc tiếp tục tiêm phòng cúm hàng năm vẫn rất quan trọng để đảm bảo khả năng miễn dịch của quần thể, giúp giảm nguy cơ đồng nhiễm cúm và Covid-19.

Ngoài ra, việc tiêm ngừa cũng hạn chế quá tải hệ thống y tế vốn đang chịu nhiều áp lực từ Covid-19, đồng thời cũng giúp giảm số ca tử vong do bệnh truyền nhiễm.