Các tỉnh phía Nam:

Cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát vào cuối năm

(Dân trí) - Cục Y tế Dự phòng cảnh báo nguy cơ chủng cúm gia cầm A/H5N1 có thể bùng phát ở khu vực phía Nam trong thời điểm cuối năm. Người dân và cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp phòng chống để bảo vệ vật nuôi và sức khỏe cộng đồng.

Nội dung trên được TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo tại buổi tập huấn "Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân” tổ chức tại TPHCM.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh cúm A/H5N1 ở nước ta thường xảy ra rải rác quanh năm ở các địa phương. Theo tính chu kỳ hàng năm, số trường hợp mắc bệnh có xu hướng tăng cao vào mùa đông - xuân. Các tỉnh thành khu vực phía Nam với đặc trưng của việc chăn nuôi theo hình thức chạy đồng với số lượng lớn khiến vi rút cúm A/H5N1 có thể tái diễn và bùng phát tại một số tỉnh biên giới giám với nước bạn Campuchia như An Giang, Tây Ninh, Bình Phước.

Gia cầm sống được bán công khai tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình
Gia cầm sống được bán công khai tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình

TS Trương Đình Bắc cho biết, vi rút cúm tồn tại trong gia cầm nhưng thường không có biểu hiện bệnh ra bên ngoài nên rất khó phát hiện. Chỉ khi gia cầm có biểu hiện chết hàng loạt, qua lấy mẫu kiểm nghiệm mới có thể phát hiện được mầm bệnh. Mặc dù năm 2014, dịch cúm gia cầm chưa bùng phát lớn nhưng với hình thức chăn nuôi chạy đồng tại các tỉnh phía Nam việc lây lan dịch bệnh là mối quan ngại lớn.

Để ngăn chặn nguy cơ xuất hiện và lây lan dịch bệnh, TS Trương Đình Bắc khuyến cáo người dân không ăn các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; không giết mổ, vận chuyển mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc; các hộ kinh doanh gia cầm không nên giết mổ gia cầm ở ngay khu vực chợ, bởi nguy cơ lây lan sang người là rất lớn.

Bên cạnh cúm gia cầm, TS Trương Đình Bắc cảnh báo người dân đặc biệt lưu ý đến bệnh dịch hạch. Theo đó, tại Madagascar, quốc gia ở châu Phi đã ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh dịch hạch, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Dịch hạch cũng đã xuất hiện tại Mỹ và Trung Quốc.

Từ năm 2002 đến nay, Việt Nam chưa có trường hợp mắc bệnh nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch hạch thể phổi tấn công vào Việt Nam. Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao, được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế. Dịch hạch ở thể phổi lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp nên rất khó kiểm soát.

Để phòng ngừa bệnh Cục y tế dự phòng đề nghị, người dân khi phát hiện chuột chết một cách bất thường, không rõ nguyên nhân thì phải thông báo cho y tế địa phương. Đồng thời tăng cường vệ sinh nhà cửa, thực hiện diệt chuột tại nơi cư trú. Người bệnh nếu có biểu hiện như sốt cao, nổi hạch... phải nhanh chóng đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.

Vân Sơn