Cúm A/H5N1 “vây” Đồng bằng sông Cửu Long
(Dân trí) - Ngày 28/2, tin từ Chi cục Thú y Sóc Trăng, tỉnh này vừa xuất hiện 2 ổ dịch cúm A/H5N1 và đã cho tiêu hủy trên 500 con gia cầm. Nhiều tỉnh, thành khác ở ĐBSCL cũng bị "vây" bởi cúm A/H5N1 và các địa phương này đang phải tích cực phòng, chống.
Thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết, hai ổ dịch cúm xuất hiện trên đàn gà ở xã An Thạnh Nhất (huyện Cù Lao Dung) và đàn vịt ở xã Tân Long (huyện Ngã Năm).
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, cơ quan chức năng đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, đồng thời cho tiêu hủy trên 330 con vịt và trên 180 con gà của hai hộ dân nói trên. Ngành chức năng cũng tiến hành phun thuốc khử trùng, tiêu độc và tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan.
Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục thú y Sóc Trăng- cho biết, trước tình hình diễn biến của dịch cúm gia cầm, ngành thú y địa phương đã tăng cường công tác lấy mẫu giám sát đối với hộ nuôi gia cầm, gia cầm sống bán tại các chợ. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông về tình hình dịch cúm gia cầm, tác hại của bệnh cúm; đồng thời khuyến cáo người dân không ăn tiết canh gia cầm, thịt và trứng gia cầm chưa nấu chín, đặc biệt không tiêu thụ thịt gia cầm bệnh, chết do bệnh.
Trong khi đó, tại TP Cần Thơ, TP đã cho công bố dịch cúm A/H5N1 tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Ngoài ra, theo Chi cục Thú y TP, từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn TP đã xuất hiện 6 ổ dịch cúm tại nhiều quận, huyện. Ngành chức năng đã cho tiêu hủy gần 3.000 con gia cầm.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H5N1, ông Đào Anh Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ- yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh cũng như quản lý việc vận chuyển gia cầm để tránh dịch bệnh lây lan.
Tại tỉnh Bạc Liêu, theo Chi cục Thú y tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm tại các huyện Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai…với hơn 4.500 con gia cầm mắc bệnh. Ngành chức năng đã cho tiêu hủy toàn bộ số gia cầm này.
Tuy nhiên, theo người dân cho biết, dù các ổ dịch cúm được phát hiện và cho tiêu hủy nhưng họ vẫn quan ngại với những diễn biến phức tạp cũng như các loại chủng vi rút mới có thể lây sang người mà ngành chức năng cũng như báo chí đã phản ánh trong mấy ngày gần đây.
Một người dân ở xã Phong Thạnh A (huyện Giá Rai) cho biết, dù trên địa bàn xã chưa có dịch cúm nhưng ở một xã khác của huyện Giá Rai cũng đã xảy ra với hàng ngàn con gia cầm bị nhiễm cúm A/H5N1. Dù đã bị tiêu hủy, nhưng với diễn biến khó lường của các chủng vi rút thì không thể nói trước được bởi rất nhiều hộ gia đình đang nuôi gia cầm nhỏ lẻ. “Người dân chúng tôi cần một sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của ngành chức năng để đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi cũng như sức khỏe của mình”, một người dân bày tỏ.
Được biết, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cũng đã tiến hành lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút gia cầm nguy hiểm có thể lây sang người. Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện, thành phố tích cực chủ động trong phòng, chống dịch cúm A/H5N1 ở những địa bàn có nguy cơ cao.
Trong khi đó, tại tỉnh Hậu Giang, theo ngành Thú y tỉnh cho biết, ngành Thú y đã cho tiêu hủy hơn 1.500 con gà bị nhiễm cúm A/H5N1 của một số hộ dân ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, nhiều người dân ở các huyện Vị Thủy, Long Mỹ phản ánh hiện nay xuất hiện tình trạng gà, vịt chết bị vứt xuống sông rất nhiều, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Ngoài ra, dù dịch cúm đang có diễn biến phức tạp nhưng tại một số chợ vẫn còn bày bán công khai gia cầm sống. Nhiều gà, vịt còn sống và làm sẵn được bày bán ngay tại chợ như chưa có tình trạng dịch xảy ra. Bên cạnh đó, giá bán các loại gia cầm cũng ở mức cao, trong khi những hộ nuôi thì số lượng bán ra rất ít hoặc không bán được vì lo ngại dịch cúm.
Theo nhận định của ngành chức năng, tình trạng gia cầm chết bị vứt sông vẫn còn xảy ra do người dân còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch cúm. Do đó, Chi cục Thú ý tỉnh đã khuyến cáo người dân khi có gia cầm chết cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc các trạm thú y gần nhất để có biện pháp xử lý, tránh tình trạng vứt xuống sông sẽ gây ô nhiễm và nguy cơ bùng phát dịch bệnh là khó lường.
Bạch Dương – Huỳnh Hải