1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cửa hàng buôn bán thuốc lá vẫn cố tình làm ngơ luật

(Dân trí) - Mặc dù quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá rất nghiêm ngặt nhưng hàng loạt cửa hàng trên cả nước vẫn cố tình làm ngơ. Theo điều tra của Trường ĐH Y tế công cộng có đến 95%, trong tổng số 1.500 cửa hàng được điều tra vi phạm luật.

Kết quả điều tra 1.500 điểm bán thuốc lá của Trường đại học Y tế công cộng trong ba năm từ 2009 đến 2011 trong 10 tỉnh/thành thành phố cho thấy có tới 95% điểm bán vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá và không có xu hướng giảm. Tỷ lệ điểm bán vi phạm quy định cấm trưng bày quá một bao/tút/hộp của một nhãn hiệu thuốc lá chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 90%.
 
Nhan nhản các vi phạm tại cửa hàng buôn bán thuốc lá.

Nhan nhản các vi phạm tại cửa hàng buôn bán thuốc lá.

Điều đáng nói các cửa hàng vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá có xu hướng ngày một tăng cao. Kết quả khảo sát của Trường ĐH Y tế công cộng vào tháng 12/2012 và tháng 1/2012 tại các điểm bán thuốc lá ở Hải Phòng, Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 100% các điểm bán được quan sát đều vi phạm quy đinh cấm trưng bày quá một bao/ tút/ hộp của một nhãn hiệu thuốc lá.

Khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5 vừa qua cũng có hàng loạt thách thức đi cùng. Theo Trường ĐH Y tế công cộng hình thức lách luật quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị sản phẩm thuốc lá của các công ty thuốc lá ngày một tinh vi hơn. Hơn nữa, các chủ cửa hàng, đại lý bán thuốc lá chưa biết về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và nhận thức chưa tốt về các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá. Trong khi đó, nhân lực của cơ quan quản lý còn hạn chế, chưa đáp ứng được tất cả các nội dung kiểm tra điểm bán thuốc lá.

Mặc dù Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định rất nghiêm ngặt như cấm tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức, tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi ở các quán bia, quán cà phê trên địa bàn Hà Nội tình trạng này vẫn xảy ra thường xuyên. Nhân viên các hãng thuốc lá ăn mặc hở hang tiếp thị thuốc tới từng “thượng đế”. Thậm chí khách hàng có nhu cầu họ còn có thể châm thuốc hút ngay tại bàn nhậu để thưởng thức, đánh giá chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, luật cũng quy định cấm hút thuốc lá tại điểm có quy định cấm, thế nhưng thực tế, dù luật đã có hiệu lực được nửa tháng, tình trạng người hút thuốc lá ngang nhiên tại các điểm cấm hút thuốc vẫn phổ biến. Theo một nữ đại biểu là ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội thì ngay tại nơi tiếp xúc cử tri, người hút thuốc lá vẫn “hun mù mịt”. Giờ nghỉ, đại biểu Quốc hội lên tiếng góp ý, người vi phạm chỉ “cười khẩy”.

Về việc xử phạt vi phạm, ông Nguyễn Huy Quang Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, đến nay mới có 3 trường hợp người nhà bệnh nhân hút thuốc trong bệnh viện bị Giám đốc một bệnh viện ở Lào Cai phạt tổng cộng hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử phạt này lại… sai thẩm quyền.

Ông Quang gợi ý hướng thực hiện luật tới đây, ngoài biện pháp xử phạt hành chính, phạt tiền cần chú ý đến hướng áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính, “trục xuất” khỏi địa điểm công cộng với người hút thuốc vi phạm. Cách này để xử lý trong tình huống không phải lúc nào cũng có người có thẩm quyền xử phạt tiền có tại địa điểm cấm hút thuốc.

Mức phạt tiền tăng gấp đôi (từ 50.000-150.000 lên 100.000-300.000 đồng/lần vi phạm) so với quy định năm 2005 cũng được Vụ trưởng Quang kỳ vọng là sẽ tăng sức răn đe đối với những người vi phạm.

Để Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá thực sự có hiệu quả theo Trường ĐH Y tế công cộng cần phải có biện pháp để nâng cao nhận thức cộng đồng về luật này qua nhiều hình thức khác nhau. Hơn nữa, cần thiết kế các tờ rơi, poster về nọi dung cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc là cho các đối tượng đặc thù. Tập huấn cho các đối tượng thanh tra về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng là một biện pháp quan trọng.

 Hồng Hải