Cụ ông suýt chết vì bệnh viện quận "liều" mổ phình động mạch

(Dân trí) - Cụ ông bị túi phình động mạch chậu chung bên phải, được Bệnh viện Quân 9 chỉ định phẫu thuật. Khi bác sĩ đang thao tác trên bàn mổ, túi phình bị vỡ gây xuất huyết ào ạt. Không thể tự xử lý, bệnh viện này phải “cầu viện” tuyến trên, bệnh nhân mới thoát chết.

Người bệnh vừa trải qua cơn “thập tử nhất sinh” là cụ ông 70 tuổi. Trước đó, trong quá trình thăm khám tại Bệnh viện Quận 9, TPHCM cụ được bác sĩ chẩn đoán bị túi phình động mạch chậu chung bên phải. Sau hội chẩn và tư vấn chuyên môn cho người bệnh, phía bệnh viện chỉ định thực hiện cuộc mổ xử lý túi túi phình.

Sáng 12/12 sau các thao tác tiền phẫu, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ để ê kíp bác sĩ của bệnh viện tiến hành phẫu thuật cắt nối vị trí phình động mạch. Khi bác sĩ đang can thiệp thì vị trí động mạch phình lớn của bệnh nhân bị vỡ, gây xuất huyết ào ạt. Tình trạng chảy máu vượt ngoài tầm kiểm soát của ê kíp phẫu thuật khiến sinh mạng bệnh nhân lâm nguy.

Hình ảnh CT-scan túi phình động mạch của bệnh nhân khi được ê kíp ứng cứu đánh giá ngay trên bàn mổ
Hình ảnh CT-scan túi phình động mạch của bệnh nhân khi được ê kíp ứng cứu đánh giá ngay trên bàn mổ

Trong tình thế khẩn cấp, bệnh viện Quận 9 đã phải phát lệnh báo động đỏ “cầu viện” sự giúp sức từ phía Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Sau khi nhận tín hiệu, một ê kíp gồm 4 y bác sĩ mang theo những dụng cụ mổ mạch máu cơ bản và 4 đơn vị huyết tương tươi hỏa tốc lên đường ứng cứu.

Phải mất 30 phút di chuyển, các bác sĩ mới đến phòng mổ. Khi tiếp cận phẫu trường, bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân Gia Định ghi nhận tình trạng mạch máu lớn bị tổn thương khiến lượng máu phun rất mạnh trên diện rộng. Bằng những thao tác chuyên môn cơ bản, chỉ trong vài phút ê kíp ứng cứu đã cầm máu thành công và thay đồng nghiệp thực hiện tiếp các bước can thiệp xử lý túi phình cho người bệnh.

Sau gần 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân thoát khỏi “cửa tử”. Chiều cùng ngày, người bệnh được chuyển lên Bệnh viện Nhân Dân Gia Định để theo dõi, chăm sóc hậu phẫu. Ngày 14/12, sức khỏe bệnh nhân đang dần bình phục, cụ tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

Nhận định về cuộc mổ với những tình tiết “may – rủi” trên, một bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật chia sẻ: “Tôi đánh giá rất cao, nỗ lực của các đồng nghiệp tại Bệnh viện Quận 9. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề liên quan đến an toàn người bệnh cần phải đánh giá cho khách quan hơn. Tôi đã đến bệnh viện quận 9 và thấy rằng, trang thiết bị phục vụ chuyên môn tại đây mới chỉ đủ làm trung phẫu như mổ ruột thừa, mổ bắt con…”

Một bác sĩ khác thì gay gắt: “Đừng vì bệnh thành tích mà đem sinh mạng bệnh nhân ra đùa giỡn… với cơ sở vật chất, trang thiết bị bèo bọt như Bệnh viện Quận 9 mà dám mổ phình động mạch thì quả là gan hùm nếu không muốn nói là vô đạo đức. Hậu quả của việc làm liều đã đe dọa sinh mạng người bệnh, báo hại phải phát lệnh báo động đỏ, gây tốn kém cho cả 2 bệnh viện. Sở Y tế thành phố cần phải nhìn nhận bản chất của vấn đề gây ra hậu quả cho ca mổ để có hình thức xử lý phù hợp thay vì khen ngợi sự thành công của hệ thống báo động đỏ trong ca bệnh này”.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm